Cụ thể, Báo cáo Viện trợ thương mại ở châu Á và Thái Bình Dương năm 2024 của ADB cho rằng, các quốc gia đang phát triển trong khu vực cần khẩn trương điều chỉnh chính sách thương mại để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Tuy đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể, thương mại xuyên biên giới vẫn có lượng khí thải carbon cao, và các chính sách thương mại truyền thống thường bỏ qua tác động của chúng đối với môi trường. Thách thức này đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia đang phát triển, phụ thuộc vào thương mại để tăng trưởng, nhưng phải đối mặt với những rào cản riêng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Qua đó, bà Pramila Crivelli đưa ra 4 lựa chọn chính sách quan trọng để điều chỉnh các chiến lược thương mại với hành động khí hậu, bao gồm: xây dựng các khuôn khổ chính sách tích hợp, tăng cường hợp tác đa phương về khí hậu và thương mại, sử dụng chính sách thương mại để thúc đẩy cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu, và xây dựng năng lực để thực hiện các chính sách thương mại phù hợp với khí hậu. Trong số các lựa chọn này, bà Pramila Crivelli nhận định, việc tăng cường hợp tác đa phương là điều cần thiết. Các nền kinh tế cần hài hòa hóa tiêu chuẩn môi trường và tích cực tham gia vào các sáng kiến khí hậu toàn cầu. Hợp tác cần cung cấp sự hỗ trợ để giúp các quốc gia đang phát triển tuân thủ quy định mà không cản trở tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự lan tỏa công nghệ xanh. “Các quốc gia cần đưa tiêu chuẩn môi trường vào những hiệp định thương mại để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ và hoạt động xanh hơn trong các ngành công nghiệp”, chuyên gia kinh tế của ADB lưu ý. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng ngày càng làm gián đoạn thương mại toàn cầu bằng cách gây tổn hại đến cơ sở hạ tầng. Các sự kiện thời tiết cực đoan gây ra rủi ro cho các tuyến thương mại và chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển có cơ sở hạ tầng kém linh hoạt hơn. Do đó, các quốc gia cần tích hợp thích ứng với khí hậu vào chính sách thương mại, bằng cách tận dụng các công cụ tương tự như công cụ được sử dụng để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này có thể đạt được bằng cách sử dụng các hiệp định thương mại và chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu, chẳng hạn như các cảng và hệ thống năng lượng được thiết kế để chống chịu với thời tiết cực đoan. “Việc điều chỉnh các chiến lược thương mại quốc gia với hành động khí hậu vừa là mệnh lệnh về môi trường, vừa là sự cần thiết về mặt kinh tế. Các cách tiếp cận phù hợp, trong đó xem xét bối cảnh và thách thức đa dạng của những quốc gia khác nhau là rất quan trọng để đảm bảo hành động khí hậu hỗ trợ cho sự phát triển toàn cầu”, bà Pramila Crivelli kết luận. |