Điện thoại reo, đầu dây bên kia thông báo cái radio hư, loa phát thanh cứ khèn khẹt không nghe được tiếng. Buông điện thoại, buông cả đôi đũa đang ăn cơm, ông Văn Công Tỏ xuống xuồng giật máy chạy đi. Hơn 10 năm, dù có bận bịu đến đâu nhưng khi nghe điện thoại thông báo cụm loa nào bị trục trặc là y như rằng ông bỏ hết công việc để đi sửa. Ông bảo, nếu không sửa chữa kịp thời thì người dân không nghe được tin tức. Chuyện làm “truyền thanh” của ông Tỏ đã không còn xa lạ với người dân ấp Kinh Ráng, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển.
Điện thoại reo, đầu dây bên kia thông báo cái radio hư, loa phát thanh cứ khèn khẹt không nghe được tiếng. Buông điện thoại, buông cả đôi đũa đang ăn cơm, ông Văn Công Tỏ xuống xuồng giật máy chạy đi. Hơn 10 năm, dù có bận bịu đến đâu nhưng khi nghe điện thoại thông báo cụm loa nào bị trục trặc là y như rằng ông bỏ hết công việc để đi sửa. Ông bảo, nếu không sửa chữa kịp thời thì người dân không nghe được tin tức. Chuyện làm “truyền thanh” của ông Tỏ đã không còn xa lạ với người dân ấp Kinh Ráng, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển.
Chuyện ông Tỏ làm truyền thanh khi nhắc lại trong xóm ai cũng buồn cười. Bởi thời buổi công nghệ thông tin, nhà nào cũng có cái “chảo” nối ti-vi với hàng chục kênh giải trí và người ta chỉ quan tâm nhiều đến phim Hàn, phim Mỹ, chỉ có mỗi ông Tỏ rảnh rỗi nối cái radio với cặp thùng loa đặt trên nóc nhà phát thời sự ra vuông để… chim, cò nghe. Ngày 3 bận sáng, trưa, chiều, dòng tin tức, thời sự từ trong nước đến trong huyện nhanh chóng được ông Tỏ cập nhật, phát đi. Ngày nắng thì thôi, chứ ngày mưa mấy cái thùng loa cứ bị… trời đánh liên tục.
Trang thiết bị truyền thanh tại nhà ông Văn Công Tỏ. |
Nhắc lại chuyện trời đánh hư mấy cái thùng loa vào năm 2010, ông Tỏ cười: “Lúc đầu không biết cách nối dây điện truyền từ radio vào thùng loa, nên 2 cái thùng loa chung 1 đường dây, khi có sấm sét thì cháy. Có hôm tôi phải chạy đi sửa 4 lần, sửa riết hết tiền.
“Trong cái khó ló cái khôn”, thấy mắc chung bị cháy hoài nên tôi quyết định mắc dây điện song song, khi thùng loa này bị cháy thì vẫn còn cái kia. Vậy là gần 5 năm nay ông trời phải chịu thua tôi, không thể đánh cháy được cái thùng loa nào”.
Thấy chuyện ông Tỏ mắc loa phát thanh tin tức, thời sự, tuyên truyền những chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân vừa hay vừa thiết thực nên năm 2013, UBND xã hỗ trợ dụng cụ phát thanh cho ấp Kinh Ráng. Với kinh nghiệm từ những ngày đi sửa radio, loa phát thanh, ông Tỏ sửa chữa và đưa vào lắp đặt thêm 6 trạm và hiện nay đã có 7 trạm phát thanh, đảm bảo mạng thông tin được phủ sóng khắp địa bàn ấp Kinh Ráng và một phần các ấp Ðồng Khởi, Kinh Ranh, Cây Phước. Những chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước đã thật sự đi vào đời sống người dân.
Ông Bảy Việt (Trần Văn Việt, 67 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Nhà nào cũng có ti-vi nhưng khi bật lên họ thường chờ phim, chờ cải lương, ít người quan tâm đến thời sự. Nhưng nhờ có mấy cái trạm phát thanh người dân biết nhiều thứ lắm. Tụi tui cảnh giác được với những chiêu lừa đảo, tránh được các tệ nạn xã hội, nghe đâu có mô hình kinh tế hay mình cũng học hỏi được. 3 đứa con gái của tôi quyết định sanh 1 con vừa phát triển kinh tế, vừa có điều kiện để lo các cháu được học hành đàng hoàng”.
Nếu như trước đây chuyện làm phát thanh của ông Tỏ luôn bị người dân phản ứng vì ồn, vì mất ngủ thì hiện nay ai cũng quan tâm, thấy thiếu nếu đến giờ mà không nghe phát. Ông Ðỗ Công Ðoàn (kinh Rạch Vọp, ấp Kênh Ráng) kể: “Ngày đầu tiên lắp đặt cụm loa trên nóc nhà, tôi nhận được mấy cuốc điện thoại phản ứng của người dân. Vậy mà qua 1 tháng gần như ai cũng ghiền nghe. Ðến 5 giờ sáng, 11 giờ trưa hay 17 giờ chiều mà không nghe phát thanh thì điện thoại cũng reo nhưng mà bà con nhắc mình... phát thanh. Mỗi tháng tốn thêm 50.000-70.000 đồng tiền điện nhưng vợ con vẫn đồng tình ủng hộ”.
Tham gia làm công tác phát thanh với ông Tỏ, ông Ðoàn vui nhất vẫn là nghe phát những bản tin “cây nhà lá vườn” như: thông báo đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa; tuyên dương 64 hộ có nhiều đóng góp xây dựng trụ sở sinh hoạt văn hoá; công tác bầu cử; những quy ước, hương ước...
Ngoài việc phục vụ cho Nhân dân trong ấp, ông Tỏ còn giúp người em Văn Công Bừng (chợ Ông Linh, ấp Ông Linh, xã Viên An) lắp đặt một trạm phát thanh từ đầu năm 2013 đến nay, đảm bảo tiếp âm đài truyền thanh huyện và tỉnh mỗi ngày 3 buổi, phục vụ hơn 700 hộ dân. Năm 2015, với số tiền 1,5 triệu đồng do UBND xã hỗ trợ, ông Tỏ kết hợp cùng Chi bộ, Ban Nhân dân ấp Kinh Ráng, ấp Ðồng Khởi lắp đặt thêm 3 trạm phát thanh. Như vậy, không chỉ người dân trong ấp Kênh Ráng mà các ấp lân cận cũng đã quen với những bản tin thời sự trên cụm loa phát thanh của ông Văn Công Tỏ.
10 năm làm phát thanh, ông Tỏ tiêu tốn hơn 20 triệu đồng của gia đình. Vợ ông, bà Cái Thị Nhẹ, xuề xoà: “Ban đầu cũng bực bội vì chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của ổng. Nhưng thấy ổng quá nhiệt tình với công việc, thấy lợi ích mà cụm loa truyền thanh mang lại nên vợ con hỗ trợ để ổng thực hiện”.
Bí thư Chi bộ ấp Kênh Ráng Nguyễn Văn Dũng cứ tấm tắc mãi: 10 năm liền Chi bộ ấp Kênh Ráng luôn đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch vững mạnh”, rồi công tác vận động các nguồn quỹ luôn đạt chỉ tiêu trên giao. 10 năm Kênh Ráng không có trường hợp sanh con thứ 3, và ấp vừa được công nhận ấp đạt chuẩn văn hoá trong tháng 10 này. Những thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Văn Công Tỏ./.
Bài và ảnh: Thanh Phương