Các nội dung Hán Nôm thể hiện: ghi chép các sự kiện,ảotồnvàpháthuydisảnHánNôkq u19 phap các nguyên tắc làm việc của triều đình; Các văn bản đinh bạ; Các loại hình văn thơ của vua, quan sáng tác, các sản phẩm văn chương, khoa cử qua các kỳ thi; Các hương ước quy định ở các địa phương về tín ngưỡng nếp sống. Khai mở hòm bộ sắc phong Hán Nôm tại một nhà thờ họ ở TP. Huế. Ảnh tư liệu Nỗ lực sưu tầm Huế là nơi tập trung nhiều tư liệu Hán Nôm. Hiện nay, Hán Nôm liên quan đến Thừa Thiên Huế còn đang lưu trữ khá nhiều tại Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Ở Huế, một số nơi đang lưu trữ nhiều tư liệu như: Thư viện Tổng hợp (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế), các trường Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Huế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cũng đang lưu trữ nhiều tài liệu Hán Nôm. Để phục vụ các công tác lập hồ sơ di tích, hồ sơ di sản thế giới và đáp ứng yêu cầu nghiên cứu về lịch sử văn hóa, nhiều năm qua trên địa bàn các cơ quan đã chú trọng sưu tầm, bảo quản các tài liệu Hán Nôm. Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh trong 10 năm từ 2009 đến 2018 đã triển khai dự án sưu tầm, tuyển dịch số hóa tài liệu Hán Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế. Quá trình thực hiện đã sưu tầm số hóa tư liệu như: sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ, ngự bút của nhà vua, nhiều văn bản quý về các lĩnh vực văn hóa, pháp luật, hành chính, đất đai… Trong 10 năm đã số hóa tư liệu tại 14 phủ đệ, hơn 100 làng, 500 họ tộc với gần 230.000 trang, được sao chép, xử lý biên mục, xây dựng cơ sở dữ liệu số và thiết lập phần mềm quản lý. Về địa điểm triển khai đã chọn lựa các vùng ở địa bàn thấp vùng ven biển và đầm phá dễ bị thiên nhiên khí hậu tác động tàn phá hư hỏng thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (trừ 2 huyện Nam Đông và A Lưới). Tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đã sưu tầm dịch thuật phục vụ làm hồ sơ di tích, hồ sơ đề nghị công nhận Di sản thế giới, đồng thời xuất bản nhiều tập sách như: Đại Nam hội điển sự lệ (tục biên); Khoa cử và các nhà khoa bảng; Thần kinh nhị thập cảnh; Tài liệu về các bài bản Tuồng; Nhạc chương… Nhiều hiện vật ở Bảo tàng như: tranh gương, các ấn triện, chuông, vạc, bia đá… cũng đã được dịch và công bố, tổng số các tư liệu được sưu tầm và dịch thuật hơn 30.000 trang. Tại Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao thành phố Huế (Nhà bảo tàng Huế) cũng đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm trong đó có các loại điền ba, hương ước, hương phổ, các bộ thuế… tổng số tư liệu thu được là hơn 15.000 trang. Triển lãm thư tịch Hán Nôm của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.Ảnh tư liệu Cần một đề án khoa học Hiện nay, các di sản Hán Nôm đang đứng trước nguy cơ hư hỏng, ngoài các tư liệu khắc trên đá, kim loại mức độ hư hỏng còn ít, phần lớn tư liệu còn lại đều là chất hữu cơ giấy dó, vải, lụa, gỗ, tre nứa… nên độ bền vững rất thấp. Một số vùng như Thừa Thiên Huế là vùng mưa bão nhiều, độ ẩm cao, phương tiện bảo quản thiếu thốn thì các tư liệu càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để giữ gìn và phát huy các tài sản cần thực hiện nhiều giải pháp. Trước hết, cần có một đề án khoa học mang tính tổng hợp để xây dựng một bộ Thư mục Hán Nôm Thừa Thiên Huế bao gồm việc thống kê các thư viện, bảo tàng, cơ quan lưu trữ (cả nước ngoài) các gia đình, dòng họ. Nhà nước cầu tư kinh phí để chủ động có thiết bị kỹ thuật nhằm scan, số hóa, photocopy, chụp ảnh, nhân bản để ngăn chặn sự xuống cấp hoặc đề phòng các sự cố bất ngờ xảy ra. Xây dựng kho lưu trữ với nhiều chế độ bảo quản phù hợp với các chủng loại tư liệu. Đối với những tác phẩm điêu khắc, các tấm bia lớn cần làm thác bản để đề phòng trường hợp hư hỏng, thiên nhiên bào mòn. Trước mắt những năm tới, cần tập trung sưu tầm các nguồn tư liệu trong cộng đồng như Thư viện Tổng hợp đã triển khai những năm vừa qua. Có kế hoạch sưu tầm tư liệu trong và ngoài tỉnh (kể cả tư liệu quý đang ở nước ngoài). Thực hiện biên dịch, công bố các tài liệu sưu tầm phục vụ các hồ sơ khoa học, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, tiến hành trưng bày một số tư liệu quý hiếm cho công chúng đến tìm hiểu. Về lâu dài, nên thành lập một Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm thuộc Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia tại Huế thuộc Sở Văn hóa và Thể thao hoặc có thể tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Thiết chế này đã có trong Quyết định 2164/QĐ – TTg ngày 11/11/2013 về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Trung tâm này sẽ tập hợp các nhà nghiên cứu để tiến hành thẩm định, dịch thuật và tư vấn các hoạt động về Hán Nôm. Trước mắt, ở Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Thư viện Cố đô Huế cần liên kết tập huấn cho các cán bộ, các cá nhân đang sở hữu tư liệu những kiến thức sưu tầm, bảo quản kể cả hướng dẫn các loại hình thiết bị cần thiết để mua sắm đáp ứng công việc. Bên cạnh đó, quan tâm nghiên cứu thành lập Quỹ Bảo vệ và phát huy di sản Hán Nôm nhằm huy động các nguồn kinh phí phục vụ cho việc sưu tầm nghiên cứu, bảo quản dịch thuật, in ấn phát hành. Các sản phẩm sau khi ra đời sẽ đưa vào lưu giữ tại chương trình Tủ sách Huế, các thư viện để phục vụ công chúng. Di sản văn hóa Hán Nôm Thừa Thiên Huế là nguồn sử liệu quý giá giúp các thế hệ hiểu nhiều mặt về đất nước con người Việt Nam. Hán Nôm Huế cũng sẽ thu hút quan tâm của các nhà nghiên cứu, khách tham quan và cả những nhà đầu tư khi quan tâm vùng đất này. Bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm sẽ góp phần vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm văn hóa du lịch của Việt Nam và Châu Á. TS. Phan Tiến Dũng |