Khó giữ mục tiêu
Đã thành thông lệ, cứ đến cuối năm hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, đặc biệt là những DN XNK sẽ gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Bởi đây mới là thời điểm để DN chốt thanh toán, chốt đơn hàng, tăng tốc sản xuất để trả hàng cho đối tác trước khi bắt đầu một năm sản xuất, kinh doanh mới. 2016 cũng không phải là năm ngoại lệ, dù tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều lĩnh vực gánh chịu nhiều khó khăn, tiêu biểu như nông nghiệp tăng trưởng âm, dệt may thiếu đơn hàng, tình hình hạn hán, ô nhiễm môi trường biển miền Trung…
Theo Báo cáo xu hướng kinh doanh quý IV của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), 85,6% DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV sẽ ổn định và tốt lên (trong đó, 48,8% số DN đánh giá xu hướng quý IV sẽ tốt lên; 36,8% DN cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định) và chỉ có 14,4% DN dự báo khó khăn hơn. Đối với đơn đặt hàng XK, so với quý III, 38,6% DN dự kiến quý IV tăng đơn hàng XK; 15,1% DN dự kiến giảm và 46,3% DN dự kiến ổn định.
Trên thực tế, chia sẻ về tình hình sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần May 9 cho biết, DN dệt may nào cũng gặp khó khăn vào thời điểm đầu năm, nhưng do May 9 có thị trường đa dạng, tập trung XK nhiều hơn vào thị trường Hàn Quốc nên giữ được sự ổn định, chỉ những DN phụ thuộc vào thị trường châu Âu mới gặp khó khăn, thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng. Do đó, dự kiến cả năm, DN sẽ đạt được hơn 90% kế hoạch đề ra từ đầu năm, đây là con số khả quan cho một năm khó khăn của ngành dệt may.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 30% DN có đủ đơn hàng XK đến cuối năm, do đơn hàng bị hút sang các quốc gia giá rẻ hơn như Lào, Campuchia, Myanmar. Bên cạnh đó, chi phí lao động, tiền lương gia tăng cũng “ngốn” nhiều doanh thu, lợi nhuận của các DN dệt may.
Cùng cảnh ngộ với các DN dệt may, ông Phạm Xuân Pha, Giám đốc Công ty TNHH XNK Phương Thanh (DN chuyên về thủ công mỹ nghệ) đang hết sức lo lắng khi “không hiểu làm sao” từ tháng 9, khách hàng giảm hẳn lượng đơn hàng, khiến 6 tháng đầu năm đơn hàng tuy ít nhưng vẫn còn nhiều hơn 6 tháng cuối năm. Trong khi theo lệ thường, bắt đầu từ tháng 6, đối tác nước ngoài mới dồn dập đặt hàng để chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm. Chính vì thế, dự báo kế hoạch cả năm của DN chỉ đạt 60-70%.
Nỗ lực tìm kiếm thị trường
Trước những khó khăn nêu trên, hầu hết DN đều lo lắng nhưng vẫn rất lạc quan, với hy vọng sẽ đạt được kết quả lợi nhuận khá hơn vào những năm sau nếu biết cách xây dựng, đổi mới mô hình kinh doanh, và nhờ những hỗ trợ, chính sách điều hành kinh tế từ Chính phủ. Với tinh thần đó, ông Phạm Xuân Pha cho hay, DN đang đầu tư mặt hàng mới là sản phẩm mỹ nghệ sân vườn từ đồ gỗ. DN đã thử nghiệm bước đầu và đã nhận được phản hồi khá tích cực từ phía khách hàng. Do đó, DN hy vọng sang năm tới, cùng với việc mở rộng thị trường XK, mặt hàng này sẽ đem lại kết quả kinh doanh tốt hơn cho DN.
Còn theo đại diện một DN XNK thủy sản, do tình hình thiếu nguyên liệu sản xuất nên việc sản xuất, kinh doanh của DN gặp đôi chút khó khăn. Hơn nữa, DN vẫn đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Nhật Bản nên dễ gặp rủi ro khi tỷ giá đồng Yên lên xuống hay nhu cầu của khách hàng tăng giảm thất thường. Do đó, DN đang xúc tiến tìm thêm thị trường XK giàu tiềm năng hơn, mở rộng NK nguồn nguyên liệu từ các thị trường mới như Canada, Nga…
Cùng với việc mở rộng thị trường, các DN còn đặt nhiều kỳ vọng vào việc thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với những ưu đãi cho hoạt động XNK. Tuy nhiên, theo nhiều DN, để thực sự có hiệu quả và đem lại lợi nhuận kinh doanh tốt hơn, các DN sẽ phải chờ đến qua năm 2017 khi FTA giữa Việt Nam và EU, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào hoạt động.
Bên cạnh việc chờ đợi vào tương lai sáng lạn hơn của thị trường, không ít DN đã quay trở về với thị trường nội địa. Đại diện Công ty TNHH giày Phương Thành cho hay, DN không thể cạnh tranh với giày giá rẻ của Trung Quốc nên đã trở về mở các chuỗi cửa hàng sản xuất, kinh doanh giày tại Hải Phòng, Hà Nội. Với xu thế “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, cộng thêm chất lượng tốt, giá thành phải chăng nên DN hy vọng chuỗi cửa hàng sẽ tạo được nguồn thu đáng kể, giúp DN mở rộng sản xuất, tiếp tục nuôi hy vọng XK.
Theo các chuyên gia, cùng với việc tìm hướng sản xuất kinh doanh mới, các DN vẫn cần phải đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đào tạo tay nghề lao động… nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao cả về chất lượng và số lượng, tự sản xuất mẫu mã riêng thay vì chỉ làm hàng gia công đơn thuần… Tuy vậy, điều quan trọng là các DN cần có sự hỗ trợ về vốn, công nghệ và các chính sách xúc tiến thương mại trên cơ sở hợp lý hóa với các FTA từ Nhà nước. Đạt được những điều kiện này, DN sẽ có thêm động lực để phát triển sản xuất hơn, đáp ứng tốt và đủ sức đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế.