Theo nguyên tắc kê khai thuế thì người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về thuế. Cơ quan Thuế thực hiện hậu kiểm (thanh tra, kiểm tra) để xác định việc kê khai, nộp thuế của người nộp thuế theo quy định. Hiện nay, thông tin về số thuế, phí, lệ phí của người nộp thuế (số phải nộp/số đã nộp) được hình thành và cập nhật từ 2 nguồn chính: Số liệu do người nộp thuế tự khai, tự nộp thể hiện trên các tờ khai thuế, quyết toán thuế, báo cáo tài chính nộp cho cơ quan Thuế (bao gồm cả số liệu cập nhật do người nộp thuế tự điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật); số liệu thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan Thuế, cơ quan có thẩm quyền.
Theo Tổng cục Thuế, Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra. Thực hiện theo quy định của Luật này, cơ quan Thuế là chủ thể thực hiện việc công khai thông tin về thuế, phí, lệ phí (gọi chung là thuế) do mình tạo ra theo các quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra; thông báo nộp tiền thuế...
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo phương pháp quản lý rủi ro nên không phải toàn bộ người nộp thuế đều được kiểm tra, thanh tra hàng năm. Việc kiểm tra, thanh tra thuế thường theo niên độ vài năm nên không phản ánh kịp thời số thuế mà doanh nghiệp phải nộp ngay trong năm tài chính. Do vậy, việc công khai thông tin về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế do cơ quan Thuế tạo ra sẽ chưa phản ánh được số thuế phát sinh của người nộp thuế ngay trong năm tài chính.
Mặt khác, thông tin về số thuế phải nộp theo kê khai của người nộp thuế đều được công khai trên báo cáo tài chính theo quy định của Luật Kế toán, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh chứng khoán... Đồng thời, việc công khai thông tin cũng phù hợp với xu thế tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về thuế, Việt Nam tham gia ngày càng sâu và rộng trong các Diễn đàn thuế quốc tế và với 77 Hiệp định thuế đã có hiệu lực, việc trao đổi thông tin người nộp thuế giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế về thuế là điều sẽ xảy ra thường xuyên trong thời gian tới.
Tổng cục Thuế cho rằng, cần thiết quy định cơ quan Thuế cung cấp thông tin về thuế cho công dân theo cả hai nguồn (nguồn người nộp thuế tự khai và nguồn do cơ quan Thuế tạo ra). Mục tiêu của việc xây dựng chính sách này nhằm đảm bảo thực hiện Luật Tiếp cận thông tin và đồng bộ trong các quy phạm tại pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan. Đồng thời tăng cường sự công khai, minh bạch về mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước của người nộp thuế và tạo điều kiện tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, hỗ trợ thu thuế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ ký kết Hiệp định Thuế với Việt Nam.
Tại Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung vào Luật Quản lý thuế quy định: Cơ quan Thuế được quyền công khai, cung cấp thông tin về thuế, phí, lệ phí phải nộp/số thuế, phí, lệ phí đã nộp theo quy định của Luật này.
Theo Tờ trình, để thực hiện chính sách trên cần hoàn thiện các quy định liên quan đến công khai thông tin của người nộp thuế, cũng như làm rõ những thông tin về người nộp thuế tại Điều 69 (Hệ thống thông tin về người nộp thuế), Điều 73 (Bảo mật thông tin của người nộp thuế), Điều 74 (Công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế); đồng thời bổ sung vào Điều 6 (Quyền của người nộp thuế) nội dung quy định “Được quyền truy cập hồ sơ thông tin điện tử của mình trên hệ thống thông tin quản lý thuế điện tử của cơ quan Thuế”.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị sửa quy định về bảo mật thông tin tại Điều 73 Luật Quản lý thuế, trong đó quy định cơ quan Thuế được quyền công khai thông tin về số thuế phải nộp/số thuế đã nộp theo kê khai của người nộp thuế.