(Dân trí) - Lưỡi lợn thường được sử dụng trong nhiều món ăn của người Việt, rất bổ dưỡng, giàu đạm. Vậy ăn lưỡi lợn có tốt cho sức khỏe không?, ai không nên ăn?
Giá trị dinh dưỡng của lưỡi lợn
Các chất dinh dưỡng chính có trong lưỡi lợn là kẽm, sắt, choline và vitamin B12. Các bác sĩ khuyên những người đang hồi phục sau bệnh tật, cũng như phụ nữ mang thai nên ăn lưỡi lợn vì nó rất tốt cho những người này
Ngoài ra, lưỡi lợn còn chứa thiamin, riboflavin và niacin, cũng như nhiều loại protein. Nhược điểm duy nhất khi ăn lưỡi lợn là nó chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
Theo sách Dược tính chỉ nam, lưỡi lợn (trư thiệt) vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, tác dụng bổ tỳ vị, ích hư tổn, trợ ngũ tạng, khai vị giúp ăn ngon cơm.
Dưới đây là các thành phần dinh dưỡng chính của lưỡi lợn theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM):
- Protein:Lưỡi lợn chứa lượng protein cao, giúp xây dựng và duy trì các mô cơ thể. Protein cũng cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa các tế bào.
100gr lưỡi lợn có khoảng 16-20gr protein, cung cấp năng lượng và hỗ trợ các chức năng quan trọng của cơ thể.
- Chất béo: Lưỡi lợn có chứa một lượng chất béo vừa phải, đặc biệt là chất béo bão hòa. Chất béo giúp cung cấp năng lượng, hỗ trợ chức năng tế bào và hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K.
100gr lưỡi lợn chứa khoảng 15-20gr chất béo, tùy thuộc vào cách chế biến.
- Vitamin và khoáng chất:
Lưỡi lợn là nguồn cung cấp vitamin B12 tốt, hỗ trợ chức năng hệ thần kinh và sự hình thành hồng cầu. Hàm lượng kẽm trong lưỡi lợn giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏeda và tóc.
Lưỡi lợn chứa sắt, một khoáng chất quan trọng trong quá trình tạo máu, giúp ngăn ngừa thiếu máu. Niacin (vitamin B3) trong lưỡi lợn tốt cho hệ tiêu hóa, da và hệ thần kinh.
- Cholesterol: Lưỡi lợn có hàm lượng cholesterol tương đối cao, nên nếu ăn quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, đặc biệt với người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc cholesterol cao.
- Calo: 100gr lưỡi lợn cung cấp khoảng 260-300 calo, tùy thuộc vào cách chế biến (luộc, hầm, hoặc chiên).
- Collagen: Lưỡi lợn cũng chứa collagen, một loại protein quan trọng cho sức khỏe của da, khớp và các mô liên kết trong cơ thể.
Lưu ý khi sử dụng
Lưỡi lợn có nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng do có chứa lượng cholesterol và chất béo bão hòa khá cao, vì thế bạn không nên ăn quá thường xuyên hoặc quá nhiều, đặc biệt là đối với những người mắc các vấn đề về tim mạch, cao huyết áp hoặc đang kiểm soát lượng cholesterol.
Lưỡi lợn bổ dưỡng giàu đạm, người đang đau khớp do gút nên kiêng hoặc hạn chế dùng.
Một số món ăn bài thuốc có lưỡi lợn
- Lưỡi lợn xào sả ớt: Lưỡi lợn, sả, ớt, rau mùi, hành lá, dầu ăn, tỏi, dấm, gia vị vừa đủ xào ăn. Công dụng bổ hư kiện tỳ vị, dưỡng khí huyết…, rất tốt cho trẻ em ăn kém còi cọc, người có tuổi mệt mỏi khó lên cân do thiếu đạm.
- Lưỡi lợn hầm đậu: Lưỡi lợn, đậu trắng, cà rốt, nước dừa, đường, mắm, hành khô, gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng bổ tỳ thận, dưỡng khí huyết…, trị chứng khí huyết hư kém thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, ù tai, đau lưng tiểu đêm khó ngủ, trẻ em phù do thiếu ngủ.
- Lưỡi lợn xào hành tây: Lưỡi lợn, cà chua, hành tây, dưa leo, đường, mắm, gia vị vừa đủ. Lưỡi lợn rửa sạch, luộc qua, thái lát sau đó xào chung các món ăn. Công dụng bổ tỳ vị hòa trung, dưỡng khí sinh huyết…, trị tâm tỳ tổn thương do lo nghĩ, mệt mỏi ăn ngủ kém, hay quên.
- Gỏi lưỡi lợn hoa chuối: Lưỡi lợn, hoa chuối, hành tây, cà rốt, đường, dấm, chanh, đậu phộng rang, gia vị vừa đủ làm gỏi ăn. Công dụng bổ tỳ vị, ích ngũ tạng bổ thông khí huyết…, rất tốt cho trẻ em, người lớn, phụ nữ trước sau sinh, tỳ vị yếu, ăn uống chậm tiêu, bụng đầy, các chứng khí huyết hư, mệt mỏi do thiếu đạm.
- Lưỡi lợn nộm ngó sen:Lưỡi lợn, ngó sen, hành tây, cà rốt, đậu phộng rang, tỏi, ớt, ngò, rau răm, chanh, gia vị vừa đủ cuốn ăn. Công dụng kiện tỳ vị, ích ngũ tạng, dưỡng khí huyết…, trị chứng suy nhược ăn ngủ kém, khí huyết hư, đau đầu chóng mặt huyết áp thấp.
- Cháo lưỡi lợn đậu xanh: Lưỡi lợn, gạo mới, đậu xanh, hành ngò, tiêu, mắm muối gia vị vừa đủ nấu cháo ăn. Công dụng kiện tỳ vị dưỡng khí huyết, ích ngũ tạng…, thích hợp cho người hay lo nghĩ tổn thương tâm tỳ, mệt mỏi, ăn ngủ kém, hay quên.