Bệnh nhân bớt gánh nặng Thông tư 15 có hiệu lực từ ngày 15/7/2018 đã điều chỉnh giá của 88 dịch vụ kỹ thuật tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ, gồm 6 giá khám chữa bệnh của một số BV, 34 giá ngày giường bệnh của một số BV và 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Bên cạnh đó, Thông tư 15 cũng điều chỉnh tăng giá 9 dịch vụ gồm 7 giá dịch vụ ngày giường hồi sức, cấp cứu, 2 dịch vụ xét nghiệm. Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác động của lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế khẳng định: Việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần làm tăng khả năng cân đối quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, có thể sẽ bị ảnh hưởng do nguồn thu dịch vụ bị giảm. Về nguyên nhân của việc giảm giá dịch vụ y tế lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính lý giải: Nhằm hạn chế, kiểm soát việc lạm dụng chỉ định các dịch vụ có nhu cầu sử dụng lớn tại các bệnh viện. “Thực tế cho thấy, đối với những dịch vụ có số lượng sử dụng nhiều thì cần phải giảm giá để hạn chế việc chỉ định trong các trường hợp không cần thiết”, ông Liên nói. Bên cạnh đó, theo ông Liên, hiện tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng; các bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên nên chất lượng dịch vụ tăng. Đặc biệt, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh tại các huyện trên địa bàn tỉnh được thực hiện nên tần suất khám, chữa bệnh/thẻ BHYT tăng, dẫn đến số lượt khám bệnh/1 bàn khám, số lượt siêu âm, chụp Xquang, CT-Scanner, nội soi tai mũi họng, công suất sử dụng giường bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng làm giảm được chi phí tính cho 1 dịch vụ. Trước quy định của Bộ Y tế về việc giảm giá một số dịch vụ, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh cho rằng, sau khi Thông tư 15 có hiệu lực, hoạt động của bệnh viện vẫn diễn ra bình thường song bệnh viện phải gồng mình tính toán lại về khoản tài chính, thu- chi sao cho hợp lý bởi bệnh viện đang thực hiện việc tự chủ hoàn toàn, không còn ngân sách nhà nước hỗ trợ. “Dù nguồn thu có giảm song không vì thế mà chất lượng khám chữa bệnh bị ảnh hưởng, tất cả đều có quy chuẩn, quy định cụ thể không thể thêm bớt. Tuy nhiên, với các bệnh viện chưa tự chủ, nhất là bệnh viện tuyến dưới, có thể bị ảnh hưởng lớn”, ông Hùng nói. Về phía người bệnh, trước quy định nêu trên, đa phần ủng hộ, đồng tình song cũng còn băn khoăn về chất lượng dịch vụ y tế và thái độ phục vụ của y, bác sỹ. Chia sẻ với phóng viên, bác Phạm Thị Hoa, Ba Đình, Hà Nội đi khám tại Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, so với lần khám trước, giá khám bệnh, siêu âm, nội soi đã được điều chỉnh giảm khiến gia đình giảm bớt gánh nặng chi phí. “Với những người có điều kiện, việc giảm vài nghìn thậm chí vài chục nghìn không có gì đáng nói. Song với những người dân nghèo, viện phí giảm được 1-2 nghìn cũng vui. Tuy nhiên, giảm giá nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo và cải thiện hơn trước”, bác Hoa nói. Chị Đỗ Thị Hà Phượng, phố Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội có hai con nhỏ dưới 4 tuổi do vậy cứ thay đổi thời tiết là con lại viêm mũi họng phải đưa đi khám, nội soi, mỗi lần hết khoảng 300.000 đồng, giờ giảm giá nên chi phí chỉ còn khoảng 200.000 đồng, thấy cũng nhẹ bớt gánh nặng phần nào. “Lúc trước cho con đi khám, bác sỹ khuyên tôi nên cho con cắt Amidan nhưng tôi thấy chi phí khá cao, gần 4 triệu nên cứ lần lữa, đợt này chi phí giảm mạnh chỉ còn hơn 1 triệu đồng nên gia đình tôi sẽ cho bé đi cắt sớm”, chị Phượng nói. | Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này về cơ bản là tăng quyền lợi cho người bệnh song bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Ảnh: DN. |
Chất lượng có bị ảnh hưởng? Điều chỉnh giá dịch vụ song bên cạnh đó điều mà người bệnh quan tâm là chất lượng khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng? Về vấn đề này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở có số lượt khám chữa bệnh tăng phải thực hiện ngay các giải pháp như tăng số bàn khám, điều tiết nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sỹ có thời gian khám, tư vấn cho người dân. Ông Khuê cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định, tăng cường công tác chăm sóc, chống nhiễm khuẩn để giảm số ngày điều trị nội trú. “Các cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp tục thực hiện các dự án bệnh viện vệ sinh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh phải cử cán bộ xuống bệnh viện huyện, trạm y tế xã định kỳ 1-2 lần/tuần để khám chữa bệnh, đào tạo, giúp tuyến dưới nâng cao trình độ, lấy lại sự tin tưởng của nhân dân với y tế cơ sở”, ông Lương Ngọc Khuê nêu. Về phía bệnh viện, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin, người dân lo lắng giảm giá dịch vụ ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh chỉ là vấn đề tâm lý. Bệnh viện Bạch Mai luôn duy trì, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. “Để duy trì chất lượng khám chữa bệnh như trước đây, bệnh viện sẽ có thang điểm đánh giá hàng tháng, hàng quý hoạt động của các phòng, ban và có điều chỉnh cho thích hợp”, ông Hiền khẳng định. Còn với quan điểm của cơ quan BHXH Việt Nam, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho hay, Thông tư 15 đang đưa giá dịch vụ y tế về giá trị đích thực, nhưng chất lượng khám chữa bệnh là vấn đề cần quan tâm. Theo Thông tư 15, giá khám bệnh ở các bệnh viện đều giảm khá mạnh, nhưng cũng theo quy định tại Thông tư 15, mỗi bàn khám được khám đến 65 lượt bệnh nhân/ngày và BHYT vẫn thanh toán 100%, trong khi trước đây quy định mỗi bàn khám chỉ khám 35 lượt. “Một bàn bác sỹ phải khám quá nhiều, 70-80 bệnh nhân, thậm chí 100 bệnh nhân/ngày thì chất lượng khám chữa bệnh sẽ hạn chế. Hơn nữa, hiện tượng bệnh viện thu thêm của người bệnh ngoài khoản được BHYT chi trả vẫn xảy ra khá nhiều và nếu tình trạng này tiếp diễn, chỉ số chi tiêu từ túi tiền của người dân sẽ tăng lên chứ không giảm dù viện phí giảm”, ông Phúc lo ngại. |