Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền |
Từ nhiều năm nay chúng ta hay nhắc về tâm thế cũng như ý thức của những người tham gia các lễ hội, đền chùa còn tồn tại nhiều hành vi phản cảm, chưa đẹp, vậy theo nhìn nhận của ông, tình trạng này liệu có được cải thiện trong mùa lễ hội năm nay?
Người Việt xưa quan niệm đi lễ đầu Xuân là việc hệ trọng, liên quan đến đời sống cả năm của bản thân và gia đình. Bởi vậy, người Việt thường rất cẩn thận trong việc chọn trang phục, chỉn chu trong hành xử khi đi lễ, nhất là những ngày đầu Xuân.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại cho thấy điều ngược lại, người dân đi lễ hội song không hiểu hết, không cảm nhận được ý nghĩa nhân văn, thiêng liêng của lễ hội. Họ đi lễ hội với tâm thế đám đông, cầu may, cầu tài, mặc cả, mua thần bán thánh mà ít có sự thành tâm.
Những hành động chưa lấy gì làm văn minh nêu trên của mỗi người tham gia lễ hội chính là sự biến tướng, lệch lạc, nhạt phai bản sắc hay sự phản cảm từ lễ hội chính là tấm gương phản chiếu cho ý thức xuống cấp của người tham gia lễ hội.
Chưa kể, một trong những nét tính cách của một bộ phận không nhỏ người Việt là dễ bị ảnh hưởng, thậm chí bị “kích động” bởi tâm lý đám đông, điều này xuất hiện rất rõ ở một số lễ hội trong thời gian gần đây. Mặt trái của tâm lý đám đông trong lễ hội là dễ lôi cuốn nhiều người hành động theo bản năng, thiếu kiểm soát của lý trí nên gây ra những hình ảnh biến tướng, phản cảm trong lễ hội.
Tuy nhiên, với nhiều cố gắng của các cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền sở tại các địa phương nơi lễ hội diễn ra trong thời gian qua chúng ta cũng có quyền hi vọng những điều này sẽ dần được cải thiện. Chẳng hạn, sau một thời gian quyết liệt, tình trạng rải tiền lẻ, đốt vàng mã vô tội vạ tại một số đền, chùa đã có dấu hiệu thuyên giảm.
Nếu trước kia đi lễ chùa đầu năm cần nhất là tâm hướng Phật thì nay nhiều người thể hiện bằng giá trị vật chất, vàng mã, bằng dâng sao giải hạn để mong được phát tài, phát lộc, ông có thể nói gì về điều này?
Tục lệ đi lễ chùa, lễ hội đầu năm không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ, mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị thuộc về cội nguồn. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời của người Việt, mà còn là dịp để tâm thức mỗi người hướng tới những giá trị tốt đẹp.
Khi đi lễ chùa, lễ hội, cúng bái là một phần của lễ, song việc cúng bái nếu sai cách, sai phương pháp sẽ trở nên lố bịch và phản cảm. Cúng bái là cách để mỗi người giác ngộ theo Phật, sống và hành xử theo đạo đức của Phật. Điều này cũng giống như khi đến cửa Phật con người sẽ được vén đám mây mù ngu tối che đậy thân tâm để ánh sáng trí tuệ nhà Phật soi tỏ.
Ngoài ra, đạo Phật là hệ triết học vô thần, từ bi, thoát tục, không chấp nhận mọi mê tín dị đoan, vì thế những chuyện dâng sao giải hạn, cúng lễ phi phật, mâm cao, cỗ đầy không thể và không nên có ở chốn linh thiêng nhà Phật.
Liệu chúng ta có thể tìm một ranh giới xác định giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan không, thưa ông?
Quan điểm của nhà Phật cho rằng “hảo tự ố tăng” tức là chùa càng to lớn, sự tu hành càng khó khăn. Vậy nên khi đi lễ Phật trên chùa, cái quan trọng nhất với người dân là xây dựng thiện tâm, trên nền tảng trí tuệ của nhà Phật, theo lời dạy của đức Phật với mục tiêu tối thượng là biết yêu thương, vị tha, biết xót thương không chỉ cho con người mà cho muôn loài. Những điều đi ngược với đạo đức nhà Phật với mục tiêu mà đạo Phật hướng đến có thể xem như những biểu hiện của mê tín dị đoan.
Đối với nhà Phật, tình thương phải được xây dựng trên nền tảng của đạo, chứ không phải những kẻ theo chủ nghĩa mê tín, dị đoan, trục lợi, móc túi người dân bằng những quan niệm sai trái về cúng bái, lễ lạt. Đặc biệt, người dân cần có quan niệm rõ ràng về việc sống và noi theo các đồ đệ của đức Phật bởi không phải cứ lên chùa, mặc áo nâu là con Phật. Con Phật có thể là người bình thường ngoài đời sống hàng ngày nhưng có tuệ phật, tâm phật.
Và để tránh rơi vào bẫy mê tín dị đoan, người đi lễ, tham gia lễ hội cần hiểu đúng về tinh thần của lễ hội. Lễ hội cho mỗi người nhận ra mình được sinh ra từ đâu, lễ hội cho chúng ta biết được những giá trị văn hóa của dân tộc để hòa nhập mà không hòa tan bởi nếu không như vậy lễ hội chỉ là tiếng chuông mờ nhạt của quá khứ và chúng ta sẽ trở hành cái đuôi văn hóa của người khác.
Để trả cho lễ hội đúng các giá trị tốt đẹp như nó vốn có, liệu trong công tác tổ chức của các lễ hội có nên thay đổi? Và bản thân những người tham gia lễ hội cần có tâm thế ra sao, thưa ông?
Với bất kể một lễ hội nào, muốn ứng xử một cách tốt đẹp, trước hết phải hiểu lễ hội là gì. Không hiểu bản chất của lễ hội chắc chắn sẽ đi lệch hướng, lệch đường và đối với tâm linh, sa vào mê tín dị đoan.
Do vậy hành động đem tiền đến mua ấn, dâng sao giải hạn, cướp lộc, phát lộc mà một số cơ sở đang thực hiện như một khoán ước với thần linh, cần phải chấm dứt bởi con người không có quyền khoán ước với thần linh và thần linh cũng không vì thế mà đối xử hay ban ơn đặc biệt với một cá nhân nào.
Xin cảm ơn ông!
Lễ hội Xuân 2019: Từng bước xóa bỏ hành vi phản cảm, xô bồ (HQ Online) - Nhắc đến các lễ hội đầu năm mới, bên cạnh yếu tố tâm linh, mang đậm các giá trị văn hóa, nhiều ... |
Hà Nội: Nhiều điểm mới trong công tác tổ chức lễ hội xuân 2019 Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, công tác tổ chức lễ hội năm 2019 sẽ có nhiều điểm mới theo hướng ... |
Xem xét khởi tố vụ 7 người tử vong tại Lễ hội âm nhạc (HQ Online)- Chiều 17/9, Công an TP. Hà Nội tổ chức thông tin báo chí liên quan tới vụ việc 7 người tử vong tại Lễ ... |