Tỉnh nhà luôn chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm giúp hộ nghèo,Đotạonghềkeo 0.25 hộ cận nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.
Nhờ nghề đan lục bình, mỗi ngày bà Quới kiếm được vài chục nghìn đồng, làm việc ngay tại nhà.
Ổn định cuộc sống nhờ học nghề
Trước đây, gia đình chị Huỳnh Thúy Vân, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, rất khó khăn, do hàng ngày chị chỉ ở nhà trông con, lo việc nội trợ, không có bất cứ khoản thu nhập nào, còn chồng chị đi làm phụ hồ. Khi địa phương thông báo có lớp học nghề may công nghiệp, chị đã đăng ký học, hy vọng tìm được việc làm, cải thiện kinh tế gia đình. Sau khi hoàn thành khóa học, chị đã được giới thiệu vào làm tại một công ty may trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Từ đó, chị có thu nhập ổn định, cuộc sống bớt phần khó khăn. “Ban đầu tay nghề chưa cao, nhưng dần dần tôi đã áp dụng thành thạo hơn những kiến thức được đào tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập mỗi tháng khá ổn định”, chị Vân cho biết.
Có việc làm, thu nhập ổn định từ học nghề cũng là câu chuyện của nhiều lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Như gia đình bà Bùi Thị Quới, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Là hộ nghèo, năm nay vợ chồng bà đều trên 60 tuổi, không thể đi làm thuê, làm mướn như trước, nên ông bà học nghề đan lục bình, rồi nhận nguyên liệu về đan gia công. Bình quân mỗi ngày ông bà cũng đan được 2-3 bộ sản phẩm, trừ chi phí nguyên liệu cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Bà Quới bộc bạch: “Từ hồi học nghề đan lục bình này, có đồng ra đồng vào. Với lại, nguyên liệu được chỗ cơ sở đem đến tận nhà rồi cũng đến thu mua luôn, tôi không phải đi lấy hay đi giao sản phẩm. Mặc dù nghề này thu nhập không nhiều nhưng công việc có thường xuyên, nhờ đó cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Bà Quới, chị Vân là 2 trong số hàng nghìn lao động được học nghề, có việc làm ổn định. Xác định nguyên nhân gốc rễ của nghèo khó là do thu nhập của người dân còn thấp, các cấp, các ngành và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề. Bởi khi tham gia các lớp học nghề sẽ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có được việc làm, tạo sinh kế bền vững, từ đó tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay tỉnh đã phê duyệt 101 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, với các nghề như đan dây nhựa, đan lục bình, làm tóc, kỹ thuật trang điểm, may công nghiệp… Những lớp nghề được mở dựa trên nhu cầu của người dân, nhu cầu xã hội, tuyển dụng của doanh nghiệp.
Theo bà Đoàn Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, hàng năm phòng chủ động phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội và tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh.
“Từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp mở 15 lớp đào tạo nghề, người học chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động nông thôn khác. Đào tạo nghề là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả, bởi khi người dân có nghề sẽ tạo được việc làm, nâng cao thu nhập gia đình, hướng đến thoát nghèo bền vững”, bà Hương cho biết.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, các cấp, các ngành, địa phương, hội, đoàn thể đã tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề; tuyên truyền những mô hình, các tổ, nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp giải quyết việc làm. Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cùng với các giải pháp khác, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm rõ hàng năm. Nếu như đầu năm 2022, toàn tỉnh có 12.989 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,45%, đến cuối năm giảm còn 9.736 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,84%.
Ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Trong kết quả giảm nghèo của tỉnh, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm, nâng cao thu nhập. Đây là yếu tố quan trọng để hộ nghèo thoát nghèo bền vững”.
Thời gian tới, ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, gắn kết người học nghề và doanh nghiệp tuyển dụng. Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng của năm đã đào tạo nghề cho 4.584 lao động, đạt 70,52%, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,4%, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2022. |
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU