Xuất khẩu nông sản sang Mỹ: Đầu tư bài bản để làm ăn lâu dài Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Mỹ: Dư địa lớn nhưng không dễ |
| Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Mỹ. |
Thưa ông, hiện nay nông sản khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang có những điều kiện thuận lợi như thế nào? Mỹ luôn là thị trường rất quan trọng đối với các DN Việt Nam. Theo số liệu thống kê, trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đã đạt khoảng hơn 13 tỷ USD, chiếm hơn 24% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ra các nước trên thế giới. Hiện nay Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD trong năm 2022. Qua đó đã góp phần đưa thặng dư cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ lên mức rất cao, góp phần gia tăng thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trong đó, mặt hàng nông sản có đóng góp rất quan trọng, bởi nông sản là các mặt hàng trực tiếp mang lại giá trị gia tăng cao cho nông dân, DN và tạo công việc cũng như giúp cho sự hiện diện của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Mỹ. Mặc dù là xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là xuất siêu, nhưng về cơ bản các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam mang tính chất bổ trợ, hỗ trợ cho thị trường Mỹ, không cạnh tranh trực tiếp. Qua đó giúp người tiêu dùng thị trường Mỹ có thể tiếp cận các mặt hàng ở Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả hợp lý và mẫu mã ngày càng được nâng cao. Theo đó, các mặt hàng nông sản của Việt Nam có lợi thế rất lớn tại thị trường Mỹ. Thứ nhất, đây là một thị trường nhập khẩu có dung lượng lớn, hơn 330 triệu người tiêu dùng với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Các mặt hàng nông sản Việt Nam qua Mỹ đã được sự tin yêu và đón nhận của người tiêu dùng Mỹ. Thứ hai, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã xây dựng được hình ảnh và uy tín, trở thành đối tác thương mại tin cậy, bền vững và cùng hợp tác phát triển với các nhà nhập khẩu và DN Mỹ. Đặc biệt, việc tham gia sâu rộng vào hệ thống phân phối của thị trường Mỹ đã giúp các mặt hàng nông sản của Việt Nam ngày càng mở rộng và thâm nhập vào thị trường này. Hiện các mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu và phân phối tại các hệ thống chuỗi bán buôn, bán lẻ của Mỹ như Amazon, Walmart, Costco… Bên cạnh những lợi thế kể trên, những khó khăn mà hàng nông sản Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là gì, thưa ông? Thứ nhất, nông sản Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp rất mạnh từ các nước có điều kiện logistics thuận lợi hơn tại khu vực châu Mỹ, Mỹ Latinh và một số đối tác của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á... Thứ hai, dù dung lượng thị trường rất lớn, nhưng DN Việt Nam hầu hết xuất khẩu và phân phối thông qua các nhà môi giới, các kênh phân phối trung gian, chưa trực tiếp đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Tình trạng này đã làm giảm giá trị gia tăng cũng như lợi nhuận đối với cả các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Thứ ba, trong một số vụ việc, để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất trong nước, chính quyền Mỹ thường xuyên áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản. Điều này làm tăng thuế phòng vệ thương mại và khiến cho hàng hóa của Việt Nam giảm bớt tính cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Từ thực tế như vậy, ông đánh giá thế nào về triển vọng của hàng nông sản Việt Nam sau chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden? Theo quan điểm của cơ quan thương vụ tại Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và các chuyến thăm, trao đổi của lãnh đạo cấp cao giữa hai nước sẽ tiếp tục tạo nền tảng vững chắc, mở rộng cơ hội cho DN Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh, tận dụng thị trường và tăng cường xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh hậu Covid-19, nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã có những bước phục hồi đáng kể và lượng hàng dự trữ tồn kho của các hệ thống phân phối đã giảm bớt. Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tăng cường thu mua hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản. Xin cảm ơn ông! |