Những trường hợp tiên phong
Dù đã hơn nửa năm trôi qua kể từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực (ngày 1-9-2015),ớiroomkỳvọnghâmnóngthịtrườkeo bd c1 song đến nay mới chỉ có 7 mã cổ phiếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc nới room cho NĐT nước ngoài. Trong đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là trường hợp tiên phong khi chính thức nới room lên 100% kể từ ngày 1-9-2015. Sau đó, mãi đến đầu năm 2016 mới có thêm một vài gương mặt mới góp mặt vào xu hướng này. Đó là Công ty CP Everpia Việt Nam (EVE) nới room lên 100% từ ngày 3-2, Ngân hàng Quân đội (MBB) nới room từ 10% lên 20% từ ngày 19-2, Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) nới room lên 100% từ ngày 21-2, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) nới room từ 43,7% lên 49% từ ngày 2-3… Một số DN khác như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội… cũng đang có những động thái thể hiện ý định nới room lên 100% và đang hoàn tất các thủ tục.
Trong khi đó, Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) cũng đang tiến hành lấy ý kiến cổ đông về việc rút bớt 7 mã ngành kinh doanh. Dự kiến, cuối tháng 3-2016 việc lấy ý kiến sẽ được hoàn tất. Động thái này của VNM được cho là có liên quan đến việc nới room. Bởi lẽ, theo Nghị định 60, khi đáp ứng điều kiện là công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc những ngành chịu tác động bởi cam kết quốc tế của Việt Nam khi hội nhập thì chỉ cần cổ đông đồng tình, DN có thể nới room cho NĐT nước ngoài lên mức tối đa. Hiện cổ phiếu VNM luôn được đánh giá là món hàng hấp dẫn trong mắt NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, việc room luôn trong tình trạng kịch trần khiến cho NĐT nước ngoài không thể mua thêm cổ phiếu.
Chưa như kỳ vọng
Việc nới room hứa hẹn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho DN như huy động vốn dễ dàng hơn, cải thiện quản trị, mở rộng kinh doanh và thu hút thêm nhiều sự quan tâm do điều kiện đầu tư không bị giới hạn. Tuy nhiên, đến nay, nếu tính chung cả số DN đã hoàn tất cũng như đang tiến hành các thủ tục để nới room như trên, thì con số vẫn còn quá nhỏ so với tổng số hơn 700 DN đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những vướng mắc về vấn đề ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay việc xác định DN trong nước hay nước ngoài, nhiều DN chưa muốn nới room do lo ngại về khả năng bị thâu tóm về tay nước ngoài. Thêm vào đó, theo ghi nhận từ các công ty chứng khoán, có tới 1/3 nguồn vốn ngoại trên thị trường chứng khoán đến từ các quỹ đầu tư. Chiến lược của các tổ chức này thường là đầu tư ngắn hạn, kiếm lời hơn là tham gia phát triển công ty.
Trên thực tế, tác động của việc nới room đối với DN có sự phân hóa rất mạnh. Cụ thể, từ sau khi nới room, MBB liên tục được khối ngoại mua ròng. Hiện room ngoại tại MBB đã đạt trên 17%, tăng mạnh 7% so với thời điểm trước khi nới room cách đây 1 tháng và chỉ còn 3% nữa là kín room. Tương tự, room ngoại tại REE cũng gần đạt mức kịch trần chỉ sau hơn nửa tháng được nới. Đặc biệt, dù chưa có một thông tin chính thức nào, nhưng những động thái điều chỉnh ngành nghề kinh doanh của VNM (được cho là có liên quan tới việc nới room) cũng thu hút sự quan tâm rất lớn của thị trường và tạo nên những phiên giao dịch “dậy sóng” trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, tại các DN như EVE, VHC, SSI… tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài vẫn không có nhiều thay đổi. Hiện room ngoại tại EVE vẫn trống tới 40%, tại SSI trống trên 47%, tại VHC trống gần 68%...
Ông Đỗ Hiệp Hòa, Giám đốc đầu tư giá trị, Công ty Chứng khoán MB nhận định, mặc dù việc nới room nhận được nhiều sự kỳ vọng của NĐT, nhưng để đánh giá thực sự tác động của điều này đối với thị trường thì phải căn cứ trên tiềm lực thực sự của DN, chứ không hẳn DN nào cũng được hưởng lợi từ việc nới room.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, trong việc nới room, ngoại trừ lĩnh vực ngành nghề kinh doanh bị hạn chế thì vấn đề còn lại thuộc thẩm quyền của DN. Hiện nhiều DN chưa sẵn sàng cho việc nới room lên mức 100% do bối cảnh hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức như suy giảm kinh tế toàn cầu, vấn đề biến đổi khí hậu, giá dầu giảm mạnh... Ngoài ra, không phải DN nào cũng nhận được sự quan tâm của NĐT nước ngoài. Thực tế cho thấy, trong số 700 công ty niêm yết, chỉ có khoảng 30 công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài hết room, còn rất nhiều công ty không có cổ đông nào là NĐT nước ngoài. Do vậy, theo ông Sơn, trước hết, vấn đề của DN là tập trung vào lĩnh vực kinh doanh hiệu quả, quản trị công ty tốt, công bố thông tin minh bạch, phát triển bền vững và tính cộng đồng xã hội cao thì mới được NĐT nước ngoài quan tâm.