Mở cửa nhà người lạ lúc nửa đêm,ởcửanhàngườilạlúcnửađêmbịđedọavìhànhnghềchânchílịch thi đấu bóng đá bỉ bị đe dọa vì... hành nghề chân chính!
(Dân trí) - Mở được két sắt, thấy nhiều tiền mặt và trang sức bên trong, thợ sửa khóa Hồng Lai (34 tuổi, ở TPHCM) bối rối và vội thay đổi ý định.
"Đó là một vị khách trẻ tuổi, yêu cầu tôi mở khóa két sắt vì mẹ quên mật khẩu. Khi tôi mở được và nhìn thấy nhiều tài sản bên trong, trực giác khiến tôi nghi ngờ và gặng hỏi", thợ mở khóa Hồng Lai (34 tuổi, ngụ TPHCM) kể lại.
Ngay lập tức, anh quay sang vị khách hàng vừa yêu cầu anh mở khóa và nhờ người này gọi điện thoại cho người mẹ để anh hỏi chuyện. Song, vị khách nam lại chần chừ và nhắn tin cho ai đó, giả vờ là mẹ để nói chuyện với anh Lai.
Xác nhận là giả mạo, thợ sửa khóa ngay lập tức đóng lại két sắt, ra về và không lấy bất kỳ khoản phí nào.
"Những tình huống như vậy vô tình có thể đẩy tôi vào rủi ro pháp lý. Là một người thợ sửa khóa, đạo đức nghề nghiệp buộc tôi phải làm việc đúng đắn", anh Lai bộc bạch.
Sự cảnh giác của người thợ
Theo nghề sau khi nghỉ học năm lớp 8, vì gia cảnh khó khăn, anh Lai nhận định đây là công việc "khó nói".
Trong đó, người làm nghề luôn phải tỉnh táo và tinh tế để nhận ra ổ khóa mình mở là của chính chủ yêu cầu, cảnh giác để không đưa bản thân vào tình thế nguy hiểm.
Với mỗi đơn hàng, anh Lai giữ thói quen xác minh trước xem có đúng tài sản chính chủ, thông qua giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc tra hỏi để xem thái độ của khách hàng.
Tuy nhiên, thực tế đã không ít lần anh bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi. Đơn cử, từng có một thanh niên yêu cầu anh mở khóa phòng trọ. Khách hàng là người thuê phòng, cửa chính có xác minh bằng vân tay nên anh tin tưởng mở khóa phòng trọ bên trong cho họ.
Thế nhưng, chàng trai lại vỡ lẽ khi chủ trọ xuất hiện và giận dữ, vì vị khách trên thiếu tiền trọ nhiều ngày nên họ mới chặn cửa bằng ổ khóa khác.
"Có nhiều trường hợp oái oăm lắm. Tôi không ít lần gặp các đối tượng trộm xe của người khác hoặc in hình chìa khóa lên bánh xà bông rồi đến yêu cầu đánh chìa theo khuôn mẫu. Có người còn lợi dụng tôi để mở két sắt của bố mẹ, hay người giúp việc gọi đến hóa giải khóa tủ chứa tài sản của chủ nhà", anh Lai nói.
Với những tình huống nói trên, anh Lai đều từ chối và đôi lần khiến các đối tượng giận dữ, đe dọa.
"Từ chối mở khóa cho các trường hợp đang tranh chấp tài sản, những tình huống đánh ghen là thường bị dọa đánh nhiều nhất. Có lần tôi nhận xử lý, mở cửa cho một người bị chủ nợ đổ keo vào ổ khóa, rồi tôi cũng bị chủ nợ… dọa đánh luôn", chàng thợ sửa khóa ngán ngẩm.
Nghề "hốt" bạc
Là một người thợ lành nghề, anh Lai có đủ kinh nghiệm để đối phó với những trường hợp nói trên. Mặc dù gặp không ít trắc trở, công việc vẫn mang lại cho anh thu nhập ổn định, đủ để nuôi vợ con và bố mẹ.
Mỗi ngày, anh Lai có thể nhận sửa khóa cho 10-50 trường hợp, rải rác khắp TPHCM và các tỉnh thành lân cận. Không những vậy, nhờ kênh TikTok có hơn nửa triệu người theo dõi, anh còn tạo điều kiện cho nhiều thợ sửa khóa khác có "đơn hàng", thông qua những đoạn clip chia sẻ thực tế công việc hằng ngày.
Theo anh Lai, khách hàng của anh thường là sinh viên nên mức giá cũng phải "nhẹ nhàng", dễ chịu. Tính chất công việc không bất kể giờ giấc, anh Lai phải luôn sẵn sàng "ra xe" 24/24, khi nhận cuộc gọi khẩn cấp từ khách.
"Đối với khoảng thời gian 6-8h, khách hàng thường là những người quên mang chìa khóa mở cửa hàng. Từ sau 8h đến 17h thì các trường hợp cần phá khóa, mở cửa với nhiều lí do khác nhau. Từ 17h đến 22h thường là những người làm mất hoặc để quên chìa khóa nhà ở nơi làm việc; 22h-2h ngày hôm sau là những "dân chơi" làm mất chìa khóa; 2h-6h thường là những sinh viên ở quê lên, bỏ quên chìa khóa ở nhà bố mẹ", anh Lai điểm danh.
Đối với công việc mở ổ khóa, ngoài sự tinh tế và cảnh giác, anh Lai cho hay, bất cứ ai vào nghề cũng phải "thề độc" một lần. Lời "thề độc" mà nhiều thợ sửa khóa nhắc tới chính là để hù họa những ai mới vào nghề.
"Lời thề này để đảm bảo chúng tôi sẽ hành nghề một cách chân chính, giúp cho người thợ mỗi khi "lạc hướng" đều có thể tỉnh táo mà suy nghĩ lại. Nhưng lời thề cũng chỉ là một phần, lương tâm của người thợ mới là cốt lõi. Những ai theo nghề và làm việc có đạo đức, lương tâm thì sẽ làm nghề rất lâu, còn những người có ý đồ xấu sẽ dễ bị đào thải, trả giá với những vấn đề pháp lý", anh Lai cho biết.