【tin tức bóng đá 24 giờ】Nỗi đau da cam không của riêng ai
Tỉnh Cà Mau hiện có gần 17.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin, trong đó có 2.853 người tham gia kháng chiến, 2.417 người là con đẻ của người kháng chiến, 434 người là cháu và 36 người là chắt, còn lại là những người dân sống trong vùng bị rải chất độc hoá học. Nỗi cực nhọc, đớn đau của những nạn nhân thường kéo dài từ 10-40 năm cho đến khi chết, sự chăm sóc của người thân trong gia đình họ cũng kéo dài từng ấy năm.
Với trọng trách là người đại diện pháp lý cho các nạn nhân chất độc da cam (NNCÐDC), thời gian qua, Hội NNCÐCD tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng hình thành tổ chức hội từ tỉnh đến tận các xã, phường, thị trấn. Hoạt động của hội đi vào nền nếp, tích cực và nêu cao trách nhiệm đối với các NNCÐDC.
Toàn tỉnh có 1.790 cán bộ làm công tác hội các cấp, phát triển được 6.410 hội viên, hàng trăm chi hội cơ sở được tổ chức nên các mặt hoạt động của hội được đẩy mạnh và có hiệu quả.
Chất độc hoá học mà quân đội Mỹ đã phun rải trên toàn quốc đến nay đã trải qua hơn 55 năm nhưng sự tàn phá của chúng đối với con người và môi trường rất nặng nề và nguy hiểm lâu dài, hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Ðã hơn nửa thế kỷ mà chúng âm ĩ chảy ngày đêm trong cơ thể những người bị nhiễm, di truyền đến thế hệ thứ tư, chưa có hồi kết thúc.
Ðẩy mạnh tuyên truyền
Ông Nguyễn Văn Minh và vợ là bà Nguyễn Thị Nương, ngụ Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh hằng ngày phải chăm 5 người con bị nhiễm chất độc da cam. |
Tác hại của chất độc da cam đối với cây lá thì dễ nhận biết, nhưng đối với con người thì mãi 3-4 năm hay 10 năm sau bệnh mới xuất hiện. Thương tật do chất độc da cam không gây chảy máu, lòi xương. Nó chỉ là vết thương vô hình khiến nhiều người lầm tưởng rằng họ đã thoát khỏi chết chóc, còn lành lặn trở về sau chiến tranh. Nhưng khi bệnh đã xuất hiện thì không phương cứu chữa. Ðiôxin được gọi là sát thủ giấu mặt.
Phó Chủ tịch Hội NNCÐDC tỉnh Cà Mau Nguyễn Tuyết Nga cho biết, trong quá trình hoạt động, hội rất coi trọng công tác tuyên truyền cho toàn thể xã hội từ nội bộ đến quần chúng Nhân dân được hiểu sâu sắc về tác hại của chất độc da cam đối với con người và môi trường. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách, kế hoạch về khắc phục hậu quả chất độc hoá học trên địa bàn và chăm sóc, giúp đỡ NNCÐDC của Ðảng và Nhà nước, tuyên truyền về cuộc sống khó khăn, đau đớn của các NNCÐDC để toàn xã hội theo dõi, trợ giúp. Phát động mọi người ký 14.610 chữ ký phản đối vũ khí hạt nhân. Tham gia nhắn hàng chục ngàn tin nhắn từ thiện để ủng hộ NNCÐDC.
Từ năm 2011-2016 đã có hàng ngàn cuộc họp tuyên truyền, hàng chục ngàn người nghe thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, các cấp hội còn đẩy mạnh tuyên truyền trực quan bằng nhiều pa-nô, áp phích, băng rôn, bằng hình ảnh, phóng sự, tin tức…. Từ đó giúp mọi người nhận thức sâu sắc về tác hại chất độc da cam/điôxin, không còn nhận thức lệch lạc cho rằng nhiều đời ông bà, cha mẹ ăn ở kém đức nên sinh ra con cháu dị dạng, tật nguyền.
Cần sự sẻ chia
Tỉnh Cà Mau hiện có gần 17.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin, trong đó có 2.853 người tham gia kháng chiến, 2.417 người là con đẻ của người kháng chiến, 434 người là cháu và 36 người là chắt, còn lại là những người dân sống trong vùng bị rải chất độc hoá học.
Trong số những người trên, có hàng ngàn gia đình có 3 nạn nhân chất độc da cam trở lên, hàng trăm nạn nhân không tự chủ được trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, phải có người chăm sóc, giúp đỡ. Nỗi cực nhọc, đớn đau của những nạn nhân thường kéo dài từ 10-40 năm cho đến khi chết. Sự chăm sóc của người thân trong gia đình họ cũng kéo dài từng ấy năm. Họ sống trong vô vọng, họ không biết khi nào thì mới thoát khỏi nỗi ê chề, đớn đau, cực nhọc do chất độc đã giáng xuống đầu họ.
Một gia đình chỉ có 1 nạn nhân thì đã quá mức chịu đựng thông thường của con người. Những gia đình có 2, 3… thậm chí lên tới 7 nạn nhân thuộc 3, 4 thế hệ nối tiếp nhau thì nỗi đau của họ không còn là nỗi đau nữa mà là thảm hoạ. Gia đình của ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Nương, ngụ Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh, là một minh chứng cho nỗi đau màu da cam này.
Năm 1973, ông Minh tham gia du kích xã Khánh An, sau khi đất nước giải phóng ông lập gia đình với bà Nương và 8 người con lần lượt ra đời. Nhưng chỉ có 2 người con gái đầu và người con trai út phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. 5 người con trai thứ của ông bà từ khi sinh ra đến tháng thứ 5 thì bắt đầu co giật và hơn mấy mươi năm cứ ngơ ngác, không thể nhận thức đuợc mọi chuyện xung quanh. Ðưa con đi khám bệnh, ông bà được bác sĩ cho biết các con mình bị bệnh tâm thần do di chứng chất độc da cam.
Vậy là hơn 30 năm qua, vợ chồng bà, hằng ngày, chăm sóc 5 người con từng miếng ăn, giấc ngủ. Bà Nương cho biết, nhà nghèo, không đủ tiền nuôi con, muốn đi làm mướn nuôi con nhưng không dám đi vì bà không có ở nhà là 5 đứa con cứ la hét đập phá đồ đạc, nhà cửa. Không những thế, người con trai thứ 7, Nguyễn Văn Nhất, thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, có người quen gặp cho bà hay để đi rước về, còn có khi ngồi ngoài nắng, ngoài mưa, không chịu vào nhà.
Bản thân ông Minh cũng đang chịu những di chứng của chất độc da cam. Hơn 1 năm nay, ông phải chịu những cơn co giật và mang nhiều bệnh trong người. Bà Nương cũng không hơn gì chồng mình, bà cũng mang trong mình căn bệnh viêm tuỵ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, bao nhiêu chi tiêu trong gia đình nhờ vào tiền trợ cấp của Nhà nước, khoảng 800.000 đồng/người và từ những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ.
Chủ tịch Hội NNCÐDC xã Khánh An Hoàng Kim Quế cho biết, toàn xã có 46 nạn nhân nhiễm chất độc da cam; trong đó, gia đình bà Nương là một trong những gia đình có nhiều người bị nhất, đã và đang được các cấp chính quyền thường xuyên động viên giúp đỡ”.
5 năm qua, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã trợ giúp NNCÐDC hơn 26 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng và sửa chữa nhà ở cho NNCÐDC 207 căn, tặng 960 chiếc xe lăn, 40.200 suất quà, hỗ trợ 123 hộ vốn chăn nuôi, sản xuất…
Tuy nhiên, sự trợ giúp ấy, ngoài việc xây dựng nhà ở hơn 7 tỷ đồng, đa số là giải quyết khó khăn trước mắt, tạm thời, chống đỡ một thời gian ngắn. "Ðiều NNCÐDC cần nhất là xây dựng nhà ở ổn định để chống mưa tạt gió lùa và vốn cho sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hoặc mua bán nhỏ để cải thiện dần đời sống ổn định bền vững. Họ cần cộng đồng trợ giúp cho cần câu để bươn chải lo cho cuộc sống lâu dài chớ không giải quyết từng bữa, từng ngày mãi được", bà Nguyễn Tuyết Nga trăn trở./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng