Ông có thể cho biết tình hình bàn giao mặt bằng vị trí cột và hành lang tuyến dự án đường dây 500kV mạch 3 đến thời điểm này? Đến thời điểm này là tháng cuối cùng phải hoàn thành toàn bộ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhưng đến nay, tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án của địa phương còn chậm, toàn dự án phần móng mới hoàn thành 1.551/1.606 vị trí (đạt 96% kế hoạch). Phần hàng lang tuyến mới chỉ hoàn thành 1.142/1.606 khoảng cột (đạt 71,11%), trong khi đó, khoảng néo mới chỉ đạt 278/438 khoảng néo (63,4%). Trong các tỉnh/thành phố có đường dây 500kV mạch 3 đi qua, xin ông cho biết địa phương nào đã chủ động và làm tốt công tác BTGPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ? Sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với các địa phương tại Thành phố Đà Nẵng vào ngày 6/3/2020, hầu hết các địa phương đều đồng loạt đẩy nhanh tiến độ BT-GPMB theo chỉ đạo. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên một số địa phương chưa đáp ứng được tiến độ theo chỉ đạo. Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình triển khai rất quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ. Tỉnh Kon Tum đã hoàn thành bàn giao toàn bộ vị trí móng và hành lang tuyến; Tỉnh Gia Lai bàn giao 100% vị trí móng, 90,91% khoảng cột và 92,3% khoảng néo; Tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giao 100% vị trí móng, 77,93% khoảng cột và 80% khoảng néo; Tỉnh Quảng Bình bàn giao 99% vị trí móng, 90,32% vị trí khoảng cột và 76,1% khoảng néo. Bên cạnh những địa phương thực hiện tốt, còn những địa phương nào bị chậm?Nguyên nhân chính là gì? Do nhiều nguyên nhân khách quan, bên cạnh đó nhiều địa phương tổ chức công việc còn chậm, thủ tục làm đi làm lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ. Trong đó tỉnh Quảng Ngãi mặc dù bàn giao 99% vị trí móng nhưng mới bàn giao được 39% khoảng cột và 51% khoảng néo; Tỉnh Quảng Trị bàn giao 96% vị trí móng, 70% vị trí cột và 26% khoảng néo; Tỉnh Quảng Nam bàn giao 88% vị trí móng, 52% khoảng cột và 33,3% khoảng néo. Thành phố Đà Nẵng đã bàn giao 100% vị trí móng nhưng mới bàn giao được đạt 31,94% khoảng cột và 17,8% khoảng néo. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương bàn giao mặt bằng chậm nhất khi mới bàn giao 85% vị trí móng và 58% khoảng cột, 74,2% khoảng néo. Các vướng mắc liên quan đến các chủ trương chính sách bồi thường hỗ trợ tại vùng nhạy cảm nên phải thông qua Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để xem xét chấp thuận chủ trương. Vì vậy, hiện nay vướng mắc còn lại chỉ tập trung vào khu vực như đã nêu trên, các đoạn khác đã hoàn thành cơ bản việc GPMB. Nguyên nhân chính các địa phương chậm tiến độ do công tác xác định nguồn gốc đất để thực hiện các thủ tục thu hồi và bồi thường hỗ trợ đất khó khăn do công tác quản lý đất đai của địa phương trong nhiều năm còn bất cập. Nhiều hộ gia đình tự ý xây nhà trên đất nông nghiệp ngay trên vị trí móng cột và trong hành lang tuyến đường dây của dự án, gây khó khăn cho công tác BTGPMB. Bên cạnh đó, đơn giá bồi thường hỗ trợ đất và tài sản trên đất ở nhiều địa phương chưa được các hộ dân thống nhất nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Công tác tận thu cây rừng của các chủ rừng còn chậm, đơn giá bán cây cao, địa hình khó khăn nên hầu hết không có đơn vị nào tham gia. Vì vậy phải tổ chức đấu giá nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ BTGPMB hành lang tuyến để thi công kéo dây. Việc xây dựng các khu tái định cư để di chuyển hộ dân ra ngoài hành lang tuyến không đáp ứng tiến độ. Nhiều địa phương chưa đủ nhân lực tại các trung tâm phát triển quỹ đất và hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến trình làm các thủ tục để phê duyệt phương án bồi thường và giải quyết các vướng mắc phát sinh. Thưa ông, đặt giả thuyết trong tháng 12/2020 các địa phương hoàn thành “sạch” mặt bằng cho chủ đầu tư thì phải mất bao nhiêu thời gian để dự án có thể hoàn thành đóng điện?
Theo tiến độ đã được duyệt thì dự án phải hoàn thành bàn giao mặt bằng phần móng trong tháng 6/2020, hành lang tuyến trong tháng 8/2020 thì mới đảm bảo tiến độ dựng cột, kéo dây để thi công hoàn thành dự án trong tháng 12/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc bàn giao mặt bằng đã chậm 06 tháng nên tiến độ hoàn thành dự án sẽ bị chậm. Cùng với đó, do đại dịch COVID-19 toàn cầu và diễn biến phức tạp, kéo dài trên diện rộng của bão lũ, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác BT-GPMB của dự án. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm chậm tiến độ gần 5 tháng. Ảnh hưởng của bão lũ chậm khoảng 4 tháng, trong đó bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng gần 3 tháng (từ giữa tháng 9/2020 đến tháng 11/2020) và chờ các địa phương khắc phục ảnh hưởng và thiệt hại bởi mưa bão mất khoảng 01 tháng. Với khối lượng mặt bằng phần móng và hành lang tuyến còn lại, EVNNPT sẽ tập trung đôn đốc hoàn chỉnh thủ tục để phê duyệt phương án bồi thường, tiếp tục chi trả tiền cho các phương án đã lập. Đối với các vị trí móng còn vướng mắc ở các địa phương có khối lượng còn lại nhiều như các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ tập trung cao độ để giải quyết xong trong tháng 12/2020 và tháng 01/2021; phần hành lang tuyến, sẽ tập trung để hoàn thành theo tiến độ dựng cột/kéo dây, phấn đấu kết thúc trong tháng 03/2021. Như vậy, trên cơ sở tình hình thực hiện công tác BT-GPMB, cung cấp VTTB và thi công của các dự án đến thời điểm hiện nay; EVNNPT dự kiến tiến độ hoàn thành, đóng điện các dự án ĐZ 500kV Mạch 3 trong tháng 9/2021. Trước những vướng mắc về mặt bằng, EVNNPT có đề nghị với các địa phương? Trong thời gian qua, chính quyền và nhân dân các địa phương có liên quan đã có nỗ lực trong công tác BT-GPMB. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao mặt bằng các vị trí móng cột và hành lang tuyến đường dây của dự án đường dây 500 kV mạch 3 là rất chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án, EVNNPT kiến nghị, UBND các tỉnh có liên quan chỉ đạo các huyện thành lập các tổ công tác tuyên truyền vận động để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm tranh thủ sự đồng thuận của các hộ dân bị ảnh hưởng. Trường hợp cần thiết, đề nghị chính quyền địa phương xem xét sử dụng các biện pháp như cưỡng chế, bảo vệ thi công,… Các địa phương cử lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã thường trực theo dõi, chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thực hiện công tác BTGPMB theo kế hoạch của dự án. Thường xuyên kiểm tra thực địa, làm việc, đối thoại với dân để xử lý hoặc báo cáo cấp trên kịp thời các tình huống phát sinh và các vướng mắc thực tế, đảm bảo cho quá trình thi công xuyên suốt. Đồng thời, tập trung nhân lực có kinh nghiệm về BTGPMB để thực hiện công việc theo tiến độ của dự án. Khẩn trương xây dựng các khu tái định cư để có điều kiện cho các hộ dân di dời nhà ra ngoài hành lang tuyến. Về phía EVNNPT và Ban QLDA các công trình điện miền Trung sẽ tiếp tục điều hành dự án một cách tích cực, chủ động; bám sát chính quyền địa phương để phối hợp tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân đồng thuận nhằm thực hiện tốt trong công tác BT-GPMB đảm bảo hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất. Xin cảm ơn ông! |