【trận đấu giải vô địch na uy】Kiểm tra chuyên ngành: Bộ Công Thương còn chậm trễ?
Sửa nhưng… chưa thông
Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (thay thế Thông tư 32/2009/TT-BCT) là một trong 10 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương theo Quyết định 2026/QĐ-TTg. Trong một văn bản gửi Bộ Tài chính do ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương ký, công việc được Bộ Công Thương thực hiện đầu tiên trong công cuộc cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành chính là thông tư này.
Tuy nhiên, “thành tựu” mà Bộ Công Thương nhắc đến đã không “được lòng” DN khi thông tư chỉ mới thực hiện được 6 tháng đã phải lập tức sửa đổi, bổ sung. Ông Trương Đình Út, Công ty May Nhà Bè cho biết, từ năm 2009, khi có Thông tư 32 tiền thân của Thông tư 37 đến nay, May Nhà Bè đã nhập về hàng chục ngàn lô hàng mà không một lô nào trong số đó có mẫu vượt quá tiêu chuẩn hàm lượng formaldehyt và amin thơm. Bởi lẽ DN đã thỏa thuận theo hợp đồng với nhà cung cấp, là nếu lô hàng mẫu nào không đạt thì phải tái xuất và nhà cung cấp phải chịu mọi chi phí. Ông Út nói thêm: “Kiểm tra trong vòng 3 ngày mới có kết quả. Chúng tôi đã phải chịu chi phí lưu kho, lưu bãi, đội chi phí sản xuất lên. Thông tư 37 còn gây khó khăn hơn cho DN so với Thông tư 32”.
Đây không chỉ là khó khăn của riêng một DN mà hầu hết các DN dệt may, da giày đều vướng phải. Cho đến thời điểm hiện tại, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 mà một số DN gửi về VITAS vẫn không thay đổi. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký VITAS cho hay: “Kiến nghị của các DN đã được tổng hợp và gửi cho Bộ Công Thương. Phản hồi của các DN vẫn là đề xuất câu chữ rõ ràng, quy định cụ thể về hàng mẫu. Cụ thể, không kiểm tra hàng mẫu kể cả việc kiểm tra hồ sơ; nếu hàng mẫu trên 30m DN đề nghị chỉ kiểm tra hồ sơ bởi số lượng hàng mẫu trên 30m là rất ít. Tinh thần của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP là cơ bản chuyển sang hậu kiểm nhưng bản dự thảo sửa đổi của Bộ Công Thương vẫn chưa thể hiện rõ tinh thần này, vẫn là kiểm tra trước khi thông quan, gây tốn kém, khó khăn cho DN”.
Khó vẫn chưa “tháo”
Một quy định khác liên quan đến Bộ Công Thương cũng được DN phản ánh rằng đang bị “hành”, đó là thủ tục dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu theo Quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện và Quyết định 78/2013/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục và lộ trình phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Theo đó, từ ngày 1-1-2015 DN không được phép NK và sản xuất các thiết bị có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu. Một số DN phản ánh rằng, 1 container hàng về phát sinh thêm mấy chục triệu đồng để dán nhãn năng lượng thì làm sao cạnh tranh với hàng tiểu ngạch.
Theo phản ánh của Công ty CP Thiết bị chiếu sáng Ánh Sao, ngày 9-4-2016, công ty có làm thủ tục cho tờ khai 10081294850/A11 tại Chi cục Hải quan Hải Phòng KVII, trong đó có bóng huỳnh quang T5 thuộc danh mục hàng hóa bắt buộc dán tem nhãn tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, lô hàng của Công ty không được cơ quan Hải quan cho thông quan với lý do không sử dụng giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm của lô hàng trước để thực hiện kiểm tra cho lô hàng tiếp theo. Chính Bộ Công Thương khi phúc đáp công văn của Báo Hải quan cũng dẫn quy định của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, mỗi lô hàng đều phải lấy mẫu thử nghiệm. Tuy nhiên, quy định DN không được sử dụng phiếu thử nghiệm của lô trước để thực hiện kiểm tra cho lô hàng sau, mặc dù hàng hóa NK giống hệt, cùng số serial/model, nhà sản xuất, xuất xứ gây tốn kém chi phí, đi ngược với Nghị quyết 19.
Sau hơn một năm, hiện phía Bộ Công Thương mới đang sửa đổi, bổ sung Quyết định 51 theo hướng quy định lộ trình thực hiện áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu với từng nhóm hàng. Ví dụ đối với nhóm thiết bị gia dụng, từ 1-1-2015 không được phép NK và sản xuất các thiết bị đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ, thiết bị chiếu sáng công cộng, có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu.
Bao giờ mới cải cách?
Có thể thấy, 2 ví dụ trên là bằng chứng sát thực nhất cho sự chậm đổi mới, cải cách của Bộ Công Thương về các thủ tục kiểm tra chuyên ngành bởi những thủ tục này có ảnh hưởng đến hàng nghìn DN. Đã có rất nhiều DN cũng như các chuyên gia, tổ chức có liên quan lên tiếng phản đối. Song Bộ Công Thương dường như còn trì hoãn, kéo dài (?)
Hiện Bộ Công Thương còn “nợ” nhiều văn bản chưa sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Thông tư 48/2011/TT-BCT, Bộ này cho rằng, căn cứ để xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 48 là Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định 127/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Hiện, 2 nghị định này đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Do vậy, Bộ Công Thương chưa có đủ cơ sở pháp lý để xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 48. Bộ Công Thương sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư 48 khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 132 và Nghị định 127 ban hành.
Về yêu cầu phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT thống nhất ban hành danh mục hàng hóa NK phải kiểm an toàn thực phẩm theo Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT (do Bộ Y tế chủ trì xây dựng), Bộ Công Thương đã trao đổi với Bộ Y tế và đề xuất phương án ban hành danh mục hàng hóa NK phải kiểm tra an toàn thực phẩm kèm theo mã HS, đồng thời phân định rõ trách nhiệm từng bộ. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương sẽ rà soát và xây dựng dự thảo thông tư quy định các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ. Việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 11039/2014/QĐ-BCT trước tháng 9-2016 về danh Mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm liệu có đúng hẹn khi mà đã gần hết tháng 8 mà Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc sửa đổi, bổ sung này phải được thực hiện trong… quý IV-2015.
Trên thực tế, việc rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương còn quá chậm so với yêu cầu của Thủ tướng (phải hoàn thành trong quý IV-2015 và quý I-2016). Từ những phân tích của Bộ Công Thương có thể nhận thấy, nhiều các văn bản còn lại đang “bị tắc” là do nguyên nhân khách quan (do một số văn bản chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung sau khi sửa đổi nghị định). Tuy nhiên, với những văn bản thuộc phạm vi, quyền hạn của Bộ Công Thương thì dường như chưa được thực hiện rốt ráo!
Là 1 trong 13 “mắt xích” của quá trình cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thế nhưng có những văn bản của Bộ Công Thương dù đã gỡ nhưng càng thêm rối cho DN, hoặc vẫn sửa đổi theo hướng “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, chưa chuyển sang hướng thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, bãi bỏ các quy định không có hiệu quả thực tế, kéo dài thời gian thông quan, gây khó khăn, tăng chi phí cho DN theo yêu cầu của Nghị quyết 19. Sự chậm chạp trong mỗi “mắt xích” sẽ càng khiến cho mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng NK phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ khó hoàn thành.