Việc khai thác, sử dụng tài sản công được kỳ vọng chặt chẽ, hiệu quả hơn khi có Luật. UBTVQH đã thống nhất giao cho Chính phủ thẩm quyền quy định về mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, khai thác, sử dụng, phân cấp xử lý… với tài sản công. Không điều chỉnh các tài sản tiền tệ trong luật về tài sản công
Báo cáo tại phiên họp về phương án giải trình, tiếp thu dự án Luật QLSDTSNN, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, qua lần thảo luận tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội về khái niệm, phạm vi điều chỉnh, phân loại tài sản công theo cơ quan quản lý và mục đích sử dụng, thẩm quyền quyết định…
Tuy nhiên, dự án Luật còn 2 vấn đề có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo là về xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai và thẩm quyền quy định về mua sắm, thuê, thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng, thanh lý, tiêu hủy, ghi giảm tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; khai thác, sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết; phân cấp thẩm quyền quyết định đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng...
Thảo luận tại UBTVQH, nhiều ý kiến đồng tình với nội dung dự thảo Luật. Một số ý kiến đã đưa ra các đề xuất, gợi ý cho những vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá với 10 chương, 37 điều, dự án Luật đã sửa đổi cơ bản luật hiện hành với nội dung bao quát, đầy đủ hơn, khắc phục được nhiều bất cập của luật hiện hành. Đối với nội dung chế độ, định mức, tiêu chuẩn sử dụng tài sản công còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nên giao cho Chính phủ là cơ quan quản lý và quy định thống nhất, bao gồm cả tiêu chuẩn khoán xe công cho đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Về nguồn thu từ xử lý tài sản công, trước các ý kiến còn khác nhau về thời điểm khấu trừ chi phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị nên nộp các khoản thu này vào Kho bạc Nhà nước tạm giữ, sau đó, cơ quan lập dự toán các khoản chi phí, khi được phê duyệt sẽ trừ vào khoản thu được, phần còn lại sẽ nộp ngân sách. Như vậy, sẽ vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi đồng thời đảm bảo đúng quy định về dự toán. Đây cũng là phương án được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ.
Sau khi thảo luận, UBTVQH nhất trí cơ bản với dự thảo Luật. Theo đó, sẽ đổi tên Luật QLSDTSNN thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Về khái niệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị vẫn giữ nguyên khái niệm tài sản công cho phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, phạm vi quản lý bổ sung nội dung không điều chỉnh với các tài sản có hình thái tiền tệ như các quỹ ngân sách, ngoại hối...
Về thẩm quyền quy định, UBTVQH thống nhất phương án của cơ quan soạn thảo, giao cho Chính phủ quy định cho phù hợp với từng loại tài sản, từng cấp, từng thời kỳ.
Cần luật khung để tránh quy hoạch chồng chéo, băm nát
Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch. Mặc dù đã được xem xét, cho ý kiến tại nhiều phiên họp Chính phủ và tại kỳ họp Quốc hội thứ 2, nhưng ngay tại phiên họp UBTVQH lần này, các ý kiến của nhiều bộ, ngành vẫn chưa thống nhất với dự thảo Luật.
Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cho rằng, việc Chính phủ trình dự án Luật ra UBTVQH mà một số bộ ngành vẫn đưa ra ý kiến không thống nhất với quan điểm của Chính phủ là trái nguyên tắc làm việc. Dự thảo Luật trước khi trình UBTVQH hôm nay đã được bàn bạc, cho ý kiến nhiều vòng, từ sự tham gia của nhiều bộ ngành, doanh nghiệp, chuyên gia chuyên ngành, đến các phiên họp của Chính phủ, thảo luận tại Quốc hội….
Về phía UBTVQH, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc xây dựng Luật Quy hoạch là cần thiết nhằm khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo, lãng phí trong quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ đây là luật rất quan trọng, cần thiết, dứt khoát phải trình Quốc hội trong kỳ họp tới để khắc phục sự chồng chéo, lãng phí, ngành ngành quy hoạch. “Tỉnh nào cũng sân bay, tỉnh nào cũng cảng biển, đầu tư vô cùng lãng phí trong khi đó có rất nhiều lĩnh vực cần đầu tư lại không ai đầu tư”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến khẳng định về nguyên tắc, muốn phát triển phải có quy hoạch. Thời gian qua, chúng ta chưa có luật chung về vấn đề này nên quy hoạch có tình trạng “nở rộ” và bị “băm nát”. Tuy nhiên, vấn đề khi xây dựng luật là cần phải xác định rõ đây là luật khung, các quy định có liên quan khác không được trái với quy định khung của Luật này.
Nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, cần phải có một quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia. Để tạo sự đồng thuận trong quy hoạch, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát tránh sự chồng chéo, xung đột. Đồng thời, dự thảo cần bảo đảm những vấn đề quy hoạch mang tính chất tổng thể quốc gia, có sự tương thích với hệ thống pháp luật nói chung, quy hoạch là cần phải mang tính dài hơi, có thể 30 - 50 năm.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tới. UBTVQH nhất trí quan điểm Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hệ thống quy hoạch thì cần xác định nguyên tắc, cấp ngành và địa phương tôn trọng quy hoạch tổng thể quốc gia, tránh trình trạng quy hoạch chồng chéo, lãng phí. H.Y |