(CMO) Với cơn sốt về vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn được nhiều người đặc biệt quan tâm. Hướng đến nhu cầu thị trường đó, nhiều cửa hàng thực phẩm sạch ra đời, vừa kết nối được nông sản của nhà vườn, nâng cao giá trị sản phẩm, vừa cung ứng ra thị trường một lượng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng và mua sắm, đa phần khách hàng vẫn còn đắn đo lựa chọn giữa hàng chợ và quầy thực phẩm sạch.Huyện Cái Nước là một trong những đơn vị tuyến huyện đầu tiên có cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch. Đây là dự án của Hội Nông dân huyện có tên tổ hợp tác thực phẩm sạch với gần 40 thành viên đăng ký tham gia hoạt động. Với chuỗi các sản phẩm như thịt heo, rau, củ, các loại thực phẩm khác có xuất xứ nguồn gốc được cửa hàng cung ứng đầy đủ để phục vụ nhu cầu xuyên suốt của bà con. Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm Theo bà Lý Thị Lan, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Cái Nước: “Tổ hợp tác thực phẩm sạch đi vào hoạt động nhằm khuyến khích tận dụng đất vườn để trồng trọt, đặc biệt là hình thành thói quen mua sắm, sử dụng thực phẩm sạch trong người dân. Các sản phẩm cung cấp cho quầy đều được lựa chọn và đảm bảo chất lượng từ khâu trồng trọt, chăn nuôi do chính nhà vườn là thành viên của tổ hợp tác cung cấp”. Đi đôi với chất lượng được đảm bảo, các sản phẩm nhà vườn cung cấp cho quầy cũng dần nâng lên giá trị sản phẩm. Theo bà Lan, những hộ trong hợp tác xã đều trồng trọt đảm bảo an toàn nên đảm bảo không phun thuốc, do đó năng suất không cao như những nơi khác, nhưng ngược lại chất lượng được nâng lên. Trung bình mỗi sản phẩm khi tiêu thụ trong quầy đều có giá cao hơn giá tiêu thụ cho các đầu mối bên ngoài từ 2.000-5.000 đồng/kg.
Chị Tô Thị Mía, ấp Cái Chim, xã Trần Thới, huyện Cái Nước hiện có hơn 1,5 ha đất trồng màu. Đây là một trong những đầu mối cung cấp thực phẩm sạch cho tổ hợp tác thực phẩm sạch. Sau hơn 1 năm tham gia cung cấp sản phẩm cho quầy thực phẩm, quy mô và kỹ thuật sản xuất gia đình chị ngày một cải tiến, điển hình là giàn nhà lưới được phủ kín để đảm bảo không sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc, được gia đình chị đầu tư. Khá hài lòng với quy mô sản xuất hiện tại, chị Mía cho biết: “Hiện nay rau, củ nhà tôi trồng có 2 đầu mối là tổ hợp tác và thị trường bên ngoài. Sản phẩm cung cấp cho quầy luôn có giá ổn định và cao hơn so với các đầu mối khác. Ngoài ra, khi tham gia tổ hợp tác thực phẩm sạch, các thành viên còn được tiếp cận với kỹ thuật trồng, những loại giống mới, định hướng các sản phẩm theo nhu cầu thị trường”. Như vậy, không chỉ kết nối được hộ sản xuất, hoạt động của tổ hợp tác thực phẩm sạch còn khuyến khích và hướng người nông dân đến các kỹ thuật chất lượng, cung ứng ra thị trường sản phẩm đảm bảo an toàn. Cần có giải pháp để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm
Chất lượng sản phẩm nâng lên kéo theo đó là giá cả cũng phải tăng lên để đảm bảo hoạt động. Và vì sự tiện lợi, giá cả rẻ hơn, nhanh gọn nên nhiều khách hàng vẫn có thói quen lựa chọn những nông sản được bày bán bên ngoài chợ. Chính vì điều này làm cho sản phẩm của tổ hợp tác khó đến với người tiêu dùng. Bà Lan đánh giá, tuy cửa hàng thực phẩm sạch hoạt động được gần 2 năm nhưng việc tiếp cận của người dân vẫn còn hạn chế. Đa số mặt hàng thịt heo là được người dân ủng hộ vì họ cảm nhận được mức độ an toàn so với những hàng thịt bày bán bên ngoài. Còn các mặt hàng rau, củ quả thì người tiêu dùng vẫn còn ngần ngại về giá cả, chưa nhận biết được mức độ an toàn của sản phẩm. Chị Huỳnh Tuyết Mai, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, cho biết: “Ban đầu mình chưa biết và cũng không mấy tin tưởng về chất lượng. Tuy nhiên, sau một vài lần mua thử, nay tôi thường xuyên chọn quầy thực phẩm sạch để mua thịt vì qua quan sát thịt ở đây đảm bảo chất lượng và khâu bày bán cũng đảm bảo hợp vệ sinh mặc dù giá cả có cao hơn bên ngoài khoảng 5.000 đồng/kg”. Anh Phạm Văn Út, ấp Đồng Tâm, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Xưa nay tôi thường chọn mua rau ở chợ vì nhanh, gọn. Việc mua sắm thực phẩm trong quầy thực phẩm sạch cũng có nhưng không thường xuyên”. Con đường từ nhà vườn lên phố của thực phẩm sạch của nhà nông cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành. Tạo được sự quan tâm, chú ý của người tiêu dùng, đảm bảo đầu ra, giá trị sản phẩm, người dân mới thiết tha với việc sản xuất theo hướng an toàn, cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mới thật sự khởi sắc./. Đào Chi |