Trải qua gần 80 năm xây dựng và phát triển,ệsĩưutúTrầnPhươngvànhữngđiềuchưakểty sô ma cao Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đào tạo, phát triển một đội ngũ phát thanh viên tài danh, được thính giả vô cùng trân trọng và yêu mến. Bởi giọng đọc của họ gieo vào lòng người nghe những cung bậc thanh âm đĩnh đạc, ấm áp và truyền cảm, khó quên.
Trong số những phát thanh viên ấy, phải nhắc đến NSƯT Trần Phương - người con của miền Tây Nam Bộ - một trong những giọng đọc Vàng trên làn sóng Đài Quốc gia.
Chuyện ở quán cà phê
Sau nhiều lần mời uống cà phê, một sáng cuối thu, tôi mới gặp được NSƯT Trần Phương - Nguyên phát thanh viên VOV. Hôm ấy cùng với tôi, còn có hai vị khách (một thanh niên và một trung niên). Ngay sau khi vào bàn, NSƯT Trần Phương lên tiếng: Xin lỗi các bạn, sáng nay, lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình Cần Thơ (đơn vị NSƯT Trần Phương đang cộng tác) hẹn gặp một chút, nên mình đến trễ.
Ngay sau khi nghe tiếng nói của bác Trần Phương, bạn thanh niên liền nói: Con nghe giọng Bác quen quá! Hình như bác từng đọc trên Đài? - Nghệ sĩ Trần Phương cười rạng rỡ. Còn bạn tuổi trung niên nhỏ nhẹ: Hồi trước, mỗi khi nghe bác đọc trên VOV, ông nội cháu lại nhắc: “Giọng đọc của Trần Phương hay quá chừng, nghe riết mắc ghiền”! Vậy mà hôm nay, cháu mới vinh dự được gặp bác!
Cuộc đời làm nghề phát thanh viên, NSƯT Trần Phương không ít lần nhận được những tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của thính giả, nhưng câu chuyện ở quán cà phê hôm ấy, khiến ông xúc động. Sự ngưỡng mộ đó sóng sánh, đong đầy, làm gương mặt ông rạng ngời và ánh mắt lấp lánh.
Đã có biết bao thế hệ thính giả yêu quý, “nghiện” giọng đọc của NSƯT Trần Phương. Thời đó, đêm đêm bên chiến hào lắng nghe ông đọc truyện đêm khuya, nghe tin tức thời sự, không ít cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, nghe giọng Nam bộ ấm áp, khỏe khoắn của ông, cứ ngỡ đang ở quê nhà.
Chuyện vào nghề
Là chiến sĩ ngành Quân báo thuộc lực lượng võ trang Tây Nam bộ, năm 1954 tập kết ra miền Bắc. Năm 1957, ngẫu hứng ghi danh tham gia thi tuyển khóa phát thanh viên do VOV tổ chức. Với chất giọng thiên phú: trầm ấm, truyền cảm và nhả chữ tròn vành, ông chính thức được tuyển vào Tổ nói của VOV. Từ đó, ngày ngày trên làn sóng Đài Quốc gia, thính giả được nghe giọng đọc của phát thanh viên Trần Phương. Có thế nói NSƯT Trần Phương đến với làn sóng Đài Quốc gia như một nhân duyên. Bởi chỉ qua một lần thử giọng, ông đã trúng tuyển, trở thành phát thanh viên của Đài.
Tên khai sinh của NSƯT Trần Phương là Nguyễn Bá Thế. Ông sinh năm 1935 tại phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. NSƯT Trần Phương, tham gia cách mạng từ những năm còn niên thiếu (14,15 tuổi) trong ngành Quân báo Tây Nam bộ. Năm 1954, tạm biệt quê hương, ông có mặt tại cửa sông Ông Đốc Cà Mau, cùng đoàn cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc.
Những kỷ niệm
Ở tuổi 83, tiềm thức, ký ức của ông có những điều, những câu chuyện dần mờ xa, lãng quên, nhưng ông cho rằng: Những năm tháng công tác ở Đài Quốc gia là thời gian để lại nhiều kỷ niệm đẹp, khó mờ phai.
Trong ngôi nhà nho nhỏ, đơn sơ số 34/21, ở đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ ông bồi hồi: “Những năm công tác ở Tổ nói của Đài Việt Nam, nhất là giai đoạn đất nước chiến tranh, tôi như bao người con Nam bộ, trong trạng thái “Ngày Bắc, đêm Nam”, mỗi khi đọc tin, bài về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Nam, tôi lại dâng đầy cảm xúc và thổn thức. Lúc đó, với tâm cảm nói để động viên, khích lệ đồng bào, chiến sĩ hăng hái chiến đấu, mau chóng giải phóng nước nhà; Nói cho bạn bè quốc tế hiểu hơn rõ hơn dã tâm tàn bạo của quân giặc và ý chí sắt đá quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam, tôi đã trải lòng trên làn sóng với cả gan ruột của mình”.
“Hơn 37 năm công tác ở Đài Phát thanh Quốc gia, (1957 - 1994), tôi hạnh phúc và không thể nào quên thời khắc được đọc Thông cáo “Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh Việt Nam của Mỹ”.Và chiều 30/4/1975, đọc bài bình luận nhan đề “Cả nước ôm hôn thành phồ Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”của Nhà báo Trầm Lam. Đó là bài bình luận đầu tiên trên sóng VOV khẳng định hùng hồn với toàn thế giới: Mỹ đã cút, ngụy đã nhào, Việt Nam vang bản anh hùng ca đại thắng, non sông vẹn toàn một dải”. Nhà báo Trần Phương nhớ lại: “Ngay chiều, tối hôm đó, Hà Nội rực rỡ pháo hoa. Mọi người ùa ra phố mít tinh mừng miền Nam giải phóng”. Phần tôi, niềm vui vỡ òa, như đứa trẻ,chạy luýnh quýnh và kêu to: Ôi vui quá ! Quê tôi - miền Nam đau thương đã qua giặc giã, binh đao rồi!”.
Giọng nói của Nghệ sĩ Trần Phương trầm lắng, khi nhắc “Những năm công tác ở VOV, tôi luôn nhận được tình cảm thương yêu, sự giúp đỡ chí tình của đồng nghiệp, của quý lãnh đạo cơ quan. Những ngày Tết, biết mình sống xa nhà, các anh chị trong Tổ nói như: Việt Khoa, Hoàng Yến, Tuyết Mai, Lan Hương... luân phiên đưa về nhà ăn Tết. Bên những mâm cơm Tết đầm ấm, nhìn dĩa dưa hành, chiếc bánh chưng xanh, tôi dịu vơi nỗi nhớ quê, nhớ người thân".
NSƯT Trần Phương, là phát thanh viên có khả năng thể hiện cả chính luận và nghệ thuật, điều này rất hiếm với nghề phát thanh viên. Những năm tháng công tác tại Đài, ông cùng với các giọng đọc Vàng, như Lan Hương, Minh Đạo... góp thêm cho VOV một bản sắc, một dấu ấn Nam Bộ.
Trong sự nghiệp phát thanh viên của mình, NSƯT Trần Phương gắn bó với VOV từ năm 1957 đến năm 1994. Trong đó, có 5 năm, ông được lãnh đạo Đài phân công làm chuyên gia tại Đài Mát-xcơ-va thuộc Liên Xô (cũ). Với những cống hiến tận tâm, tận lực cho làn sóng Đài Quốc gia, ông là phát thanh viên Nam bộ đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT (năm 1993). Thể theo nguyện vọng, năm 1994, ông về Đài PT-TH Cần Thơ tiếp tục “tự sự trước micro” cho đến hôm nay.
Chia sẻ kinh nghiệm
Thưa anh: Trong thời đại bùng nổ thông tin, ngày càng có nhiều người làm nghề phát thanh viên, MC, dẫn, đọc các chương trình. Thế nhưng để có giọng đọc hay, đáng nhớ như nhiều phát thanh viên trước đây (trong đó có anh) chắc là phải rèn giũa rất nhiều?
NSƯT Trần Phương bộc bạch: Theo tôi, nghề nào cũng có vất vả và niềm vui. Nhưng điều quan trọng ai đã làm việc gì thì phải yêu nó, phải sống chết với nghề. Về phần mình, tôi có những điều kiện, cơ hội vàng để phấn đấu. Thứ nhất, vinh dự là người miền Nam được công tác tại Đài phát thanh Quốc gia - một trong những cơ quan báo chí mạnh nhất thời điểm đó; Thứ hai, trưởng thành từ môi trường quân đội, có tính kỷ luật cao và sống, công tác trong một tập thể cán bộ, công nhân viên nhà Đài luôn yêu thương, đoàn kết, dìu dắt nhau rất chân thành.
NSƯT Trần Phương nói tiếp: “Còn sự phấn đấu: Tôi luôn trau dồi chuyên môn, mỗi ngày, đều dành thời gian đọc sách, báo, bổ sung vốn văn hóa, kiến thức. Ngoài ra, học tập kinh nghiệm của các phát thanh viên trong tổ, giữ hơi đều, sâu và nhả chữ tròn, rõ, để bạn nghe đài dễ nghe, dễ hiểu. Mặt khác, trước khi đọc, tôi luôn xem qua văn bản, phân đoạn, để khi ngồi trước mi cơ rô không vấp váp”.
Tôi hỏi thêm: Thi thoảng anh đã viết báo, trong đó, có bài “Ngồi buồn, viết lại chữ Cõi” đăng trên Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Chắc là anh muốn chuyển nghề?
NSƯT Trần Phương cười tươi rồi nói: Nghề gì đâu. Chẳng qua thấy một số tờ báo đăng câu thơ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” của Huỳnh Văn Nghệ thành “Từ độ mang gươm đi mở nước”..., tôi liền viết bài “Ngồi buồn, viết lại chữ Cõi”. Theo tôi, chữ “Cõi” chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, hồn cốt của dân tộc, còn “Mở nước”, vừa sai, vừa vô cảm!
...Nhìn bàn làm việc của nhà báo cao niên Trần Phương, tôi thấy khá nhiều sách văn học, tìm hiểu, ông cho biết: Hiện nay, mỗi ngày ông vừa biên soạn, vừa đọc một chương trình “Văn nghệ đêm khuya” (Thời lượng 30 phút) trên sóng Đài Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Cần Thơ.
Tôi mạo muội: Chắc Đài PT-TH thành phố Cần Thơ trả thù lao biên tập, thể hiện mỗi chương trình văn nghệ khá hậu hĩnh đối với nghệ sĩ?
Nghệ sĩ Trần Phương cười hào sảng, rồi nói: Đủ để rủ mấy học trò uống cà phê mỗi sáng em ạ!
Nghệ sĩ Trần Phương có rất nhiều học trò, vì những năm về Đài PT-TH Cần Thơ làm việc, nhiều đài Phát thanh - Truyền hình trong khu vực Nam bộ tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho phát thanh viên, đã mời nghệ sĩ truyền nghề.
…Cuộc đời và sự nghiệp của nhiều người chỉ gắn bó với một nghề. Ở đó, đôi khi lắm nỗi gian truân, nhiều nghiệt ngã, nhưng họ như tằm rút ruột nhả tơ, miệt mài, lặng lẽ cống hiến, phụng sự…Trong những trường hợp ấy, phải kể đến NSƯT Trần Phương, Phát thanh viên VOV - người nặng lòng với làn sóng Phát thanh.
Nghệ sỹ ưu tú Trần Phương tên thật là Nguyễn Bá Thế. Sinh năm 1935 tại xã Bình Đức, huyện châu Thành, tỉnh An Giang.
Nghệ sỹ ưu tú Trần Phương đã từ trần hồi 7h05 phút, ngày 22/11/2024. Hưởng thọ 89 tuổi.
Lễ viếng được tổ chức từ lúc 17h ngày 22/11/2024 tại nhà tang lễ Câu lạc bộ Hưu trí thành phố Cần Thơ, số 30A đường Mậu Thân, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.