Vào chiều ba mươi tết,y xuunion berlin – braga trước khi hạ mâm lễ cúng gia tiên, ông nội tôi chống gậy đi ra ngõ. Thằng Đức - em tôi đang thơ thẩn cùng tôi ngoài bờ ao hỏi vóng theo: - Ông đi đâu ạ, ngoài đường giờ nhiều ma lắm đấy! Ông cốc nhẹ vào đầu thằng đích tôn và mắng yêu: - Lại dọa cả ông nữa, cha bố anh! Thấy ông lộc cộc chống gậy bước vào ngõ nhà hàng xóm, thằng Đức ngơ ngác hỏi: - Sao ông lại vào nhà ông Bá nhỉ? Chẳng lẽ ông quên vụ lão Thường ném thuốc sâu xuống ao cá nhà mình sao? Tôi cố dỏng tai ngóng sang nhà hàng xóm xem ông tôi đang nói chuyện gì với ông Bá, nhưng chỉ nghe tiếng cười giòn của hai người già. Lát sau, thấy ông Bá cùng ông tôi sóng bước ra ngõ. Và tôi càng ngạc nhiên khi ông Bá cũng tề chỉnh trong bộ đồ mới, cùng ông nội bước vào ngõ nhà tôi. Sum họp ngày đầu xuân - Ảnh: T.L
Đó là hình ảnh, câu chuyện của mấy chục năm trước, khi tôi còn là con bé lớp 4 trường làng. Một buổi sáng, mẹ tôi dậy sớm thổi cơm và chuẩn bị ra đồng thì ngửi thấy mùi thuốc fulfatok - một loại thuốc trừ sâu rất độc, nồng nặc phía ao mà cha tôi mới xuống giống mấy chục ký lô gam cá trắm, cá chép chuẩn bị vụ tết. Mẹ lật đật chạy ra và hoảng hốt khi thấy cá ngửa bụng trắng cả ao. Và không khó khăn gì, cha tôi đã biết thủ phạm chính là lão Thường, con trai ông Bá ném thuốc trừ sâu xuống ao để trả thù vụ con Ních nhà tôi cắn chết mấy con gà nhà ông Bá sang phá rau. Biết rõ lão Thường làm, nhưng không bắt được quả tang nên không thể làm gì lão. Suốt mấy tháng trời, hai nhà mặt nặng mày nhẹ và không giao du với nhau. Vậy mà hôm nay, chiều ba mươi tết, hai ông già lại hỉ hả sang chơi nhà nhau. Ông tôi còn mời ăn tất niên và ông Bá vui vẻ nhận lời. Mấy chén rượu đưa qua đưa lại, vài câu nói bông đùa, thế là bao nhiêu thù oán trong suốt mấy tháng trời, họ cho qua hết. Tối ba mươi tết, trong lúc cả nhà ngồi quây bên lò nấu bánh chưng và chờ đón giao thừa, tôi rụt rè hỏi ông: - Nhà mình với nhà ông Bá không còn nghỉ chơi nữa hả ông? Ông lại cốc cho tôi một cái, bảo có phải trẻ con đâu mà nghỉ chơi. Rồi ông giảng giải: - Hết năm rồi, cái gì không hay, không tốt thì mình phải bỏ đi để đón rước cái mới tốt đẹp hơn. Phải tống cựu mới nghinh tân được chứ! Tôi nhìn ông nghi hoặc, nhưng gương mặt, ánh mắt và lời nói của ông thể hiện rõ sự thành tâm và thanh thản. Có lẽ niềm tin thiêng liêng về một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời là “tống cựu nghinh tân” đã mang tới cho ông sự thành tâm, thành kính ấy. Rồi ông dặn dò cha mẹ tôi không nói to, không gây tiếng động bất thường, không tắt đèn, không được để thùng gạo và thùng nước vơi; dặn chị em tôi không được cãi nhau, không được huýt sáo, không nói những từ ngữ không đẹp… lúc giao thừa và sáng mồng một tết. Ông nội tôi, ông Bá và cả lão Thường đã trở thành người thiên cổ từ lâu lắm rồi, nhưng câu chuyện chiều ba mươi tết năm đó và cả những điều ông giảng giải cho tôi về tục lệ “tống cựu nghinh tân” dịp đón năm mới thì vẫn còn nguyên đó. Lớn thêm một chút, thấy cha mẹ và những nhà hàng xóm sắm sanh áo quần, xe cộ, bàn ghế, giường tủ mới và sơn phết nhà cửa để đón năm mới, tôi càng hiểu rõ hơn về tục lệ này. Như một lẽ tự nhiên, từ người già đến con trẻ, ai ai cũng tâm niệm rằng, cần tống tiễn những khó khăn, vất vả, kém may mắn của năm cũ, bắt tay thực hiện những dự định mới và cầu mong một năm mới bình an, tốt lành sẽ đến. Ở quê tôi xưa tập tục “tống cựu nghinh tân” được chuẩn bị từ ngày 23 tháng Chạp, sau khi tiễn ông Táo về trời. Đó là lúc mọi người, mọi nhà dọn dẹp thật sạch từ trong nhà ra ngõ, vứt bỏ những đồ đạc cũ kỹ hoặc không còn dùng; rồi sơn sửa, trang hoàng nhà cửa, lau chùi bàn ghế, chuẩn bị đồ ăn, thức uống đủ dùng trong dịp tết. Mỗi người cũng tạo cho mình một diện mạo mới, như một bộ đồ mới, một đôi dép mới, một mái tóc mới… Nhưng “tống cựu” không có nghĩa là “tống khứ” mà là tiễn biệt năm cũ với lễ cúng thành tâm của gia chủ. Và niềm tin thiêng liêng ấy đã khiến mẹ tôi năm nào cũng chuẩn bị một nồi nước lá thơm thật to để cả nhà cùng “tẩy trần”. Vào đêm ba mươi tết, dù tối trời và rét mướt, cha tôi vẫn soi đèn đi ra giếng làng để gánh nước đổ đầy thùng, còn mẹ tôi thì lo vun đầy khạp gạo. Và giới tao nhân mặc khách, những người làm nghề viết lách sẽ khai bút đầu xuân với câu đối tết hoặc những dòng thơ xuân bay bổng để đón chào năm mới. Cho dù cách thức đã đổi thay nhiều nhưng hàng ngàn năm qua, người Việt vẫn luôn giữ tập tục “tống cựu nghinh tân” vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Giờ đây, không nhất thiết phải gạo đầy bồ, nước đầy thùng hay thịt đông, bánh chưng, giò chả chất đầy tủ lạnh… Mâm lễ cúng gia tiên thời nay có thể có cả sushi, hamburger hay những món Tây, món Tàu. Thay vì rượu gạo nút lá chuối, bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình giờ đặt những chai rượu ngoại sang trọng cùng những trái cây lạ được nhập khẩu từ châu Âu, châu Úc. Nhưng dù đồ ăn, thức uống có thay đổi thế nào thì khi đứng trước bàn thờ gia tiên, mỗi người Việt vẫn luôn mang trong lòng một niềm ước vọng lớn lao. Đó là cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Như câu thơ đối của vị quan "ngông" tài ba Nguyễn Công Trứ: “Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa/ Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”. Cũng như mẹ, dù bận đến cỡ nào, chiều ba mươi tết, tôi cũng đổ đầy thùng gạo, cho dù biết chắc ba ngày tết sẽ không đụng tới hạt cơm nào. Và chẳng biết vì sao, gia đình tôi ai cũng trở nên bận rộn trong những ngày giáp tết. Một cây cảnh mới, một giò lan mới hay một bộ đồ, một đôi giày mới cùng với mâm cơm cúng ông bà tươm tất vào chiều ba mươi tết… là cách thức mà các thành viên trong gia đình tôi đang lặng lẽ tri ân tiên tổ, tống cựu nghinh tân. Và niềm tin thiêng liêng ấy luôn khiến tôi muốn trải lòng cùng với đất trời, cùng với mọi người, mọi nhà và cầu mong mùa xuân luôn trổ hoa hạnh phúc. |