Cũng như nhiều loại cây trồng khác,ng dnữ pháp vs nhãn bị tác động rất lớn bởi thời tiết. Vì vậy, các hộ trồng nhãn ở xã Tân Hưng đã áp dụng những giải pháp khoa học - kỹ thuật để “huấn luyện” cây nhãn ra hoa, đậu trái theo ý muốn. Thành công họ gặt hái được chính là những vườn nhãn trĩu quả bất chấp sự diễn biến thất thường của thời tiết.
Anh Lê Văn Tùng trong vườn nhãn của gia đình
Anh Lê Văn Tùng, ấp 5, xã Tân Hưng có 6 sào nhãn tiêu Huế 13 năm. Dù thời tiết năm nay thất thường nhưng vườn nhãn của gia đình anh Tùng rất sai trái. Mỗi cây bình quân cho năng suất 100kg, nên từ 6 sào đất trồng nhãn gia đình anh Tùng thu về gần 10 tấn. Anh Tùng cho biết: “Để nhãn ra hoa, đậu trái theo ý muốn thì ngay sau khi thu hoạch phải dọn vệ sinh, tỉa cành, tạo tán, bón phân đầy đủ để phục hồi sức cho cây. Với vườn nhãn của gia đình, trước khi xử lý khoảng 20 ngày, tôi tưới nước để cây đâm chồi, ra lá non và tính toán thời điểm thúc cây bật chồi, ra hoa. Nếu cây chưa có dấu hiệu ra hoa thì phải tiếp tục xới gốc, bón phân. Nhãn đã ra hoa vẫn phải thường xuyên theo dõi, xử lý và phòng trừ nấm mốc, sâu bệnh, đồng thời bổ sung lân, kali hoặc tưới dưỡng cây nếu trời quá nắng”. Hộ bà Lê Thị Hạnh có 1,1 ha nhãn đang chuẩn bị thu hoạch. Bà Hạnh cho biết: “Năm nay mưa nhiều nên nhãn rất khó đậu trái. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình nên năng suất vườn nhãn của gia đình tôi rất ổn định. Dự kiến với 1,1 ha nhãn 10 năm, gia đình tôi sẽ thu về khoảng 17 tấn trái”.
Hiện nay, người trồng nhãn tại xã Tân Hưng chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Theo các nhà vườn, năm nay giá nhãn có giảm so với năm trước, nhưng nhờ năng suất ổn định nên vẫn có lãi. Anh Tùng cho biết thêm, hiện thương lái đã đến tận vườn thu mua với giá 12-13.000 đồng/kg. Mức giá này giảm từ 5-6.000 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước nhưng gia đình anh vẫn có lãi. Với năng suất 10 tấn trái từ 6 sào nhãn, dự kiến gia đình anh Tùng thu về khoảng 120 triệu đồng. Trừ chi phí và công chăm sóc, gia đình anh lãi khoảng 70-80 triệu đồng. Hiện các chợ ở Đồng Phú, giá nhãn tiêu Huế được các tiểu thương bán 25-30.000 đồng/kg.
Ông Phạm Văn Hiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có khoảng 60 hộ trồng nhãn với diện tích hơn 40 ha, chủ yếu nhãn tiêu Huế. Vừa qua, Hội Nông dân xã đã hướng dẫn người dân thành lập tổ hợp tác nghề nghiệp trồng cây ăn trái. Đây là nơi để nhà vườn cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận vốn, ứng phó với biến đổi khí hậu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng. Nhờ đó, năm nay người trồng nhãn trên địa bàn xã đã có một vụ mùa bội thu dù thời tiết không thuận lợi so với những năm trước Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ liên kết chặt chẽ với tổ hợp tác, tìm đầu ra cho nông sản để tránh tình trạng tiểu thương ép giá”.
Như vậy, so với các loại cây khác, nhãn dễ trồng lại cho thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, để cây nhãn phát triển ổn định, người dân rất mong ngành nông nghiệp hỗ trợ thêm về khoa học - kỹ thuật. Đặc biệt, cần tăng cường sự liên kết “4 nhà” để người trồng nhãn có đầu ra ổn định và không bị ép giá mỗi khi vào vụ thu hoạch.
X. Túc