Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nguồn tiền đang dư thừa khá lớn trong hệ thống các tổ chức tín dụng và ngân hàng thời điểm hiện tại. BVSC phân tích: Thị trường OMO tiếp tục trầm lắng tuần thứ 13 liên tiếp khi không có hoạt động bơm/hút ròng nào qua kênh này. Tuần qua là tuần thứ 12 NHNN tiếp tục điều tiết cung cầu tiền Đồng trên thị trường thông qua việc phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn. Tín phiếu kỳ hạn 14 ngày tiếp tục được phát hành liên tiếp với tổng giá trị trong tuần đạt 27.000 tỷ đồng, trong khi lượng tín phiếu đáo hạn đạt 20.999 tỷ đồng. Do vậy, thông qua kênh tín phiếu, NHNN đã hút ròng 6.000 tỷ đồng từ thị trường. Điểm đáng lưu ý là lãi suất tín phiếu phát hành bởi NHNN có xu hướng giảm liên tiếp. Xét riêng kỳ hạn 14 ngày kể từ khi phát hành thời điểm đầu tháng 6 có mức lãi suất 2,75%/năm, sau nhiều tuần giảm tương đối mạnh, lãi suất loại kỳ hạn này tuần vừa qua đạt 1,2%/năm phiên đầu tuần và tiếp tục giảm chỉ còn 1%/năm phiên cuối tuần ngày 19/8 – mức lãi suất thấp nhất trong lịch sử, và gần bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm. “Đây là dấu hiệu thể hiện nguồn tiền đang dư thừa khá lớn trong hệ thống các tổ chức tín dụng và ngân hàng thời điểm hiện tại”- BVSC nhận định. Trong bối cảnh đó, BVSC cho biết thêm, lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm tuần thứ hai liên tiếp tại cả ba kỳ hạn. Cụ thể, tuần qua lãi suất trung bình các kỳ hạn giảm trong biên độ khá tương đồng từ 0,14-0,18%. Lãi suất trung bình kỳ hạn một tuần giảm nhẹ nhất 0,14% xuống mức 1,05%/năm. Tiếp đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm và hai tuần đồng loạt giảm 0,18% về mức 1,21% và 1,39%/năm. Nhìn chung, cả ba kỳ hạn đều tiếp tục giữ mức lãi suất dưới 2%/năm thấp liên tiếp nhiều tuần qua, thậm chí tuần qua đều giảm xuống dưới 1,5%/năm. Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện vẫn khá dồi dào. Tuy nhiên, BVSC cho rằng việc dư thừa thanh khoản thời điểm này chỉ mang tính chất ngắn hạn, làm bước đệm chờ đợi tín dụng tăng trưởng mạnh hơn nửa cuối năm 2016 này (ước tính trên 10% để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 16% - 18% cả năm). Hơn nữa, rủi ro lạm phát tăng nhanh trở lại (dự kiến 4-5% cả năm nay) sẽ gây áp lực lên lãi suất thời gian tới. |