Thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 25/5/2023 về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị: Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; quan tâm phát huy quyền làm chủ, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có mặt chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; hiệu quả hoạt động, giám sát phản biện xã hội chưa cao; một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa quan tâm phát huy đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 2024 sẽ diễn ra Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, đây là sự kiện chính trị quan trọng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tầng lớp nhân dân. Để Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đạt kết quả tốt, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: 1. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy mạnh mẽ tính tự chủ, năng động, sáng tạo và tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận. Lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách; bảo đảm chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động để phát huy vai trò, trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. 2. Chuẩn bị kỹ lưỡng các văn kiện trình Đại hội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội. Báo cáo chính trị cần đánh giá đúng, khách quan tình hình các tầng lớp nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội Mặt trận Tổ quốc nhiệm kỳ 2019-2024, khẳng định kết quả đạt được, những mô hình hay, nhân tố mới; thẳng thắn, chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2024-2029 cần tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận; phân tích đầy đủ bối cảnh tình hình, dự báo thuận lợi, khó khăn, những vấn đề mới; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi; chú trọng khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra trong nhiệm kỳ qua; tập trung các giải pháp nhằm tập hợp, đoàn kết đông đảo các tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải phù hợp chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ công tác Mặt trận trong giai đoạn mới. Đai biểu dự hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" tại tỉnh Sóc Trăng, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 29/5/2023. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN) 3. Công tác nhân sự bảo đảm nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xây dựng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029 có cơ cấu, số lượng hợp lý, có tỷ lệ người ngoài Đảng phù hợp; chú trọng phát hiện, giới thiệu người có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm cao với đất nước và công tác Mặt trận; có thể mở rộng thành phần, số lượng tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu trong nước và đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia Ủy ban Mặt trận các cấp, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, sức mạnh đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cấp uỷ phân công, giới thiệu Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp uỷ tham gia Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; phân công Ủy viên Thường vụ cấp ủy có uy tín, năng lực làm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giới thiệu để hiệp thương cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. 4. Đại biểu tham dự Đại hội phải tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm cho thành công của Đại hội. Số lượng đại biểu tham dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có thể tăng nhưng không vượt quá 10% so với Đại hội trước. 5. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thiết thực chào mừng Đại hội. 6. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức Đại hội trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, đúng tiến độ. Thời gian tiến hành Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoàn thành trong tháng 4/2024, cấp huyện hoàn thành trong tháng 6/2024, cấp tỉnh hoàn thành trong tháng 8/2024; Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X tổ chức trong tháng 10/2024. 7. Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng giúp Ban Bí thư theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này. Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ./. (TTXVN/Vietnam+) |