Điều chỉnh giá theo lộ trình
Về cơ chế quản lý giá,Đếnsẽtínhđủchiphígiákhámchữabệsoi keo stuttgart Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định hiện hành, liên Bộ Y tế- Tài chính quy định khung giá dịch vụ KCB tại cơ sở KCB công lập.
Căn cứ khung giá do Liên bộ quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ KCB đối với cơ sở KCB thuộc Bộ Y tế và các bộ khác; Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá dịch vụ KCB đối với cơ sở KCB của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Cơ sở KCB tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ KCB của cơ sở đó.
Hiện nay, giá dịch vụ KCB tại cơ sở KCB công lập thực hiện theo lộ trình giá thị trường quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15-10-2012. Theo đó, quy định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ KCB giai đoạn từ 2013 đến 2018 theo lộ trình từng bước tính đủ các chi phí thực hiện dịch vụ.
Theo đó, năm 2013: Giá dịch vụ KCB được tính trên cơ sở các chi phí trực tiếp gồm: Tiền thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện dịch vụ; Tiền điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường trực tiếp để thực hiện dịch vụ; Duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp để thực hiện dịch vụ; Phụ cấp thường trực, phẫu thuật, thủ thuật.
Ba khoản chi phí đầu đã tính trong mức giá tại Thông tư liên tịch 04/2012/BYT-BTC ngày 29-2-2012. Kể từ khi liên Bộ ban hành Thông tư liên tịch số 04 đến nay, có 63/63 địa phương đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB.
Tiếp đó, từ năm 2014-2017, giá dịch vụ KCB được tính thêm khoản chi phí sau: Chi phí tiền lương (lộ trình chia làm hai giai đoạn 2014-2015 và 2016-2017 áp dụng cụ thể đối với vùng, miền, khu vực); Chi phí nhân công thuê ngoài; chi phí đặc thù; Khấu hao tài sản cố định, lãi vay; và chi phí gián tiếp.
Còn từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ KCB được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ.
Kết quả bước đầu của việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB cho thấy các cơ sở y tế công lập có điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y tế như: Tăng số buồng khám, tăng giường bệnh, chất lượng dịch vụ từng bước đã có chuyển biến. Một số vật tư, hóa chất đã được kết cấu trong giá dịch vụ, công khai, minh bạch bảng giá, không thu thêm của người bệnh.
Các cơ sở y tế công lập, nhất là các tuyến dưới có kinh phí để triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao hơn, đưa dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn về gần dân; phát huy được tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện trong việc huy động các nguồn lực, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư trong thời gian qua từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện huyện.
Đồng thời, cũng đã giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Các cơ sở y tế công lập từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, xóa bỏ cơ chế hai giá tại các cơ sở y tế công lập tồn tại nhiều năm nay (giá thanh toán BHYT và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu).
Kết cấu từng bước chi phí vào giá
Cục Quản lý giá cho biết, theo lộ trình tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP, năm 2013 phải kết cấu thêm chi phí chi trả phụ cấp thường trực, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá. Tuy nhiên, thực tế năm 2013 chưa triển khai được nội dung này. Theo đó giá dịch vụ KCB của năm 2013 áp dụng như năm 2012 (quy định tại Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC).
Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai việc kết cấu khoản chi phí này vào giá từ năm 2014. Việc kết cấu từng bước chi phí vào giá sẽ được Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính tính toán và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.
Được biết, chiều 9-7, HĐND thành phố Hà Nội thông qua chủ trương tăng giá 1.348 dịch vụ y tế đối với các cơ sở KCB công lập, sẽ thực hiện từ ngày 1-8-2014. Theo lý giải của UBND TP Hà Nội, hơn 1.000 dịch vụ giữ nguyên trong khi đó, giá cả thị trường đã có nhiều biến động, tác động đến chi phí đầu vào của giá dịch vụ (thuốc, vật tư tiêu hao, điện, nước... đều tăng).
Theo đề xuất của Hà Nội, giá bệnh viện hạng 1 (tuyến Trung ương) tăng từ 80% lên 100%; bệnh viện hạng 2 (tuyến tỉnh) tăng từ 75% lên 95%; bệnh viện hạng 3 gồm phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%; trạm y tế từ 65% lên 85%.
Trước đó, tháng 8-2013, Hà Nội đã tăng giá hơn 800 dịch vụ y tế, còn 1.348 dịch vụ KCB vẫn giữ nguyên giá dịch vụ từ năm 2009.
Từ ngày 1-6-2014, TP. HCM cũng đã thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB tại cơ sở y tế công lập đối với 477 dịch vụ kỹ thuật và 1.519 dịch vụ kỹ thuật trong nhóm các phẫu thuật, thủ thuật khác. Việc điều chỉnh này tác động làm chỉ số giá nhóm Dịch vụ y tế tháng 6-2014 tăng 0,87% (các địa phương khác trên phạm vi cả nước đã lần lượt điều chỉnh từ năm 2012 và 2013.
Trong nhóm các giải pháp triển khai nhằm bình ổn giá cả thị trường 6 tháng cuối năm, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, các trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.