Bộ Tài chính: Ước giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng tăng nhiều so với cùng kỳ Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 tiếp tục tăng Giải ngân vốn đầu tư công “nước rút” những tháng cuối năm |
Dù tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng còn tồn tại một số vướng mắc. Ảnh: ST |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 8 tháng, ước thực hiện 9 tháng kế hoạch năm 2023, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công của cả nước từ đầu năm đến ngày 31/8/2023 là hơn 300.342 tỷ đồng, đạt 39,47% kế hoạch (760.852,2 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao là 707.044,2 tỷ đồng và kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương triển khai tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 53.808,0 tỷ đồng).
Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hơn 38.202 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước thanh toán đến hết tháng 9/2023 là hơn 363.310 tỷ đồng, đạt 47,75% kế hoạch, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 đạt 42,16% kế hoạch và đạt 46,70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hơn 49.740 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cũng theo báo cáo, có 12/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên 50%.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (69,65%), Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (68,06%), Đồng Tháp (79,36%), Long An (74,98%), Tiền Giang (77,84%)...
Tuy nhiên, vẫn còn 29 bộ và 3 địa phương giải ngân được dưới 30% kế hoạch vốn, trong đó có 17 bộ, cơ quang trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.
Bộ Tài chính nhận xét, mặc dù tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng còn tồn tại một số vướng mắc.
Cơ quan này cho biết, theo tổng hợp, tuy chỉ có 3 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 30%, song có 57 địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải ngân dưới 10% (298 dự án sử dụng NSTW hỗ trợ có mục tiêu nguồn vốn trong nước với kế hoạch triển khai là 20.379 tỷ đồng) và 109 dự án tại 41 địa phương chưa thực hiện giải ngân.
Nguyên nhân chủ yếu được Bộ Tài chính nêu là do khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do đặc thù của từng dự án. Vì vậy cần phải có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Từ tình hình trên, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án cắt giảm kế hoạch năm 2023 tương ứng kế hoạch đã bố trí cho các dự án đến hết 31/10/2023 có tỷ lệ giải ngân bằng 0% và cắt giảm kế hoạch đến hết 31/10/2023 chưa thực hiện phân bổ.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá kiểm điểm trách nhiệm cụ thể trong việc phải cắt giảm kế hoạch, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch 2024 đảm bảo sát với khả năng thực hiện.