Các lực lượng cùng chung tay khắc phục sạt lở ở A Roàng
Ngồi bên căn nhà sau khi dọn dẹp xong,ùamưalũkq cup bdn anh Pi Lúc Tưng (thôn A Ka, xã A Roàng) thở phào nhẹ nhõm. Mưa lớn nhiều ngày gây ra sạt lở, đất đá tràn vào nhà. Tưởng như sẽ phải rất lâu mới có thể quay lại cuộc sống thường ngày nhưng chỉ trong một ngày, sự cố sạt lở trên đã được khắc phục.
Anh Nguyễn Piu Cheng, đại diện Xã đoàn A Roàng phấn khởi: “Chỉ trong thời gian ngắn, 35 đoàn viên thanh niên đã được huy động để giúp đỡ Pi Lúc Tưng. Mưa gió không làm khó được tình làng, nghĩa xóm và chúng tôi đã thành công trong việc giúp đỡ hộ dân bị ảnh hưởng do mưa lớn, sạt lở”.
Mưa lớn những ngày đầu và giữa tháng 10 đã gây ra nhiều thiệt hại và không ít khó khăn về cuộc sống của người dân. Thống kê của huyện A Lưới, do ảnh hưởng của mưa lũ, hàng loạt tuyến đường bị sạt lở, hơn 25 nhà bị sập, tốc mái, cả trăm hộ dân buộc phải di dời do nằm trong vùng bị sạt lở, nước ngập; thiệt hại về nông nghiệp và nhiều công trình liên quan. Trái với nỗi buồn do thiên tai, người dân lại có cảm nhận được tình cảm của người cùng quê khi họ cùng chung tay hỗ trợ nhau.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, ngoài những hỗ trợ, giúp đỡ, ứng cứu từ các ban, ngành, đơn vị chức năng, đáng mừng là người dân đã thể hiện rõ tình người trong thiên tai, không nề hà khó khăn mà sẵn sàng giúp đỡ nhau.
Khó khăn trong mưa lũ, thiên tai không thể kể hết, nhưng người dân miền sơn cước đã biết nghĩ cho người khác. Không ít lần nước dâng, sạt lở trong đêm, nhưng những mô hình ứng cứu, giúp đỡ nhau vẫn kịp hoàn thành trước lúc trời sáng.
Hỗ trợ khắc phục sạt lở tràn vào nhà người dân ở A Lưới
Anh Lê Văn Sim (xã Hồng Hạ, huyện A Lưới) kể, trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều trường hợp người dân buộc phải di dời trong đêm. Điển hình như nhà ông Hồ Văn Lộc, thôn Pa Ring – Cân Sâm nằm trong vùng ngập sâu, mưa lớn khiến nước dâng nhanh ban đêm.
“Một giờ sáng, chúng tôi bắt đầu hỗ trợ vận chuyển đồ đạc và đưa gia đình đến nơi cao ráo, an toàn. Chỗ tránh ngập cách nhà ông Lộc khoảng 1km, nhưng nhà lại có nhiều lúa gạo, đồ đạc nên việc vận chuyển khá vất vả. Hơn 50 anh em, trong đó có cả lực lượng quân sự ở địa phương, dân quân, đoàn thanh niên nỗ lực liên tục. Đến 3 giờ sáng, nhiệm vụ mới hoàn thành và mọi người mới thực sự yên tâm”, anh Sim nói.
Trong những cuộc giúp người trong mưa lũ, có cả bóng dáng của những người phụ nữ góp sức. Chị Hồ Thị Môm, Bí thư Xã đoàn Trung Sơn thông tin, Trung Sơn là một trong những địa phương chịu khá nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua, với nhiều nhà bị sập, tốc mái và sạt lở. Dù phương án đặt ra mỗi chi đoàn thôn sẵn sàng lực lực 10 đoàn viên ứng cứu tại chỗ, nhưng mỗi khi có sự cố do mưa bão, lực lượng từ các thôn khác đều được tăng cường và bản thân chị cùng những nữ đoàn viên khác cũng xắn tay, trách nhiệm, bưng vác những đồ đạc nhẹ hơn.
Cùng với những hoạt động bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, những con đường thường sạt lở ở A Lưới những ngày qua đều được khắc phục nhanh, chỉ sau vài giờ đồng hồ. Các khu vực xảy ra sạt lở lớn có lực lượng chức năng với phương tiện khắc phục nhưng ở nhiều điểm sạt lở khác, người dân đã chung tay bốc dỡ, xúc đất nhằm đảm bảo an toàn cho người lưu thông. Hỏi về lý do họ cố gắng, nhiều người đã để lại câu trả lời: “Khi thiên tai, ứng phó và khắc phục hậu quả không còn chuyện của anh – chuyện của tui, mà đó là chuyện chung của chúng ta”.
Bài, ảnh:Hữu Phúc