Viết tiếp bài báo “Xóm viêm xoang” đăng trên Báo Cà Mau ngày 1/7, phóng viên tiếp tục liên hệ làm việc với Ðảng uỷ, UBND xã Hoà Thành; Chi cục Bảo vệ Môi trường của Sở Tài nguyên - Môi trường để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.
LTS: Viết tiếp bài báo “Xóm viêm xoang” đăng trên Báo Cà Mau ngày 1/7, phóng viên tiếp tục liên hệ làm việc với Ðảng uỷ, UBND xã Hoà Thành; Chi cục Bảo vệ Môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.
Ðịa phương khẩn thiết nhờ cơ quan chức năng vào cuộc
Trở lại xã Hoà Thành, TP Cà Mau, Chủ tịch UBND xã Hoà Thành Vương Chí Thiện cho biết: “Sau khi đọc bài báo Xóm viêm xoang, chúng tôi xác nhận thông tin trong bài là xác thực, phản ánh tương đối đầy đủ ý kiến và bức xúc của người dân tại ấp Hoà Trung. Có một điều trớ trêu là Khu Công nghiệp Hoà Trung lại thuộc địa phận của huyện khác, nên những ý kiến và tác động của xã Hoà Thành là không thể trực tiếp". Không biết có phải đây là lý do hay không, nhưng theo lời ông Thiện thì: “Phản ánh quá nhiều lần, ở nhiều cuộc họp, nhất là các buổi đại biểu HÐND tiếp xúc cử tri mà không thấy có sự chuyển biến nào. Vậy nên người dân địa phương gần đây cũng không mặn mà ý kiến nữa”.
Người dân ấp Hoà Trung, xã Hoà Thành, TP Cà Mau nhiều năm sống trong tình trạng ô nhiễm, tôm cá chết và bệnh viêm xoang đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực. |
Khi được hỏi ý kiến về việc nhiều người đi qua khu vực ấp Hoà Trung đều cho rằng, dân ở đây riết rồi như "ghiền" mùi (hôi thối của các công ty bên kia sông) này rồi nên vẫn sống bình thường, ông Thiện cười buồn: "Mấy anh nói sao chứ sống trong cảnh hôi thối, vuông tôm thì thất bát liên tục nhiều năm, làm sao mà quen, mà ghiền cho được. Bản thân tôi, nhiều khi về làm việc một, hai tiếng đồng hồ mà lỗ mũi cũng muốn nghẹt, huống hồ bà con chịu cảnh sống như vậy trong một thời gian dài. Dân bức xúc, ý kiến trong nhiều cuộc họp tại địa phương, chỉ có điều khó hiểu là tại sao tình trạng ô nhiễm vẫn mặc nhiên tồn tại. Do khu công nghiệp ở địa bàn của huyện khác, chúng tôi chỉ biết đề đạt kiến nghị của mình theo đúng thẩm quyền, chức năng. Bà con phàn nàn với chúng tôi thì cũng đành chịu, bởi đâu thể giải quyết được vấn đề".
Ông Thiện nói, trước đây, hoạt động của Khu Công nghiệp Hoà Trung có kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm, các công ty cam kết khắc phục nhưng sau đó tình trạng ô nhiễm vẫn không cải thiện. Như vậy, tính nghiêm minh của pháp luật, quyền lợi chính đáng của Nhân dân đã bị các doanh nghiệp xem nhẹ, chỉ chú trọng vào mục đích lợi nhuận.
Ông Thiện bức xúc: "Các anh thấy rồi đó, khu này ở xen kẽ trong dân, người dân bên Lương Thế Trân chịu cảnh này là đương nhiên, còn bên xã Hoà Thành chúng tôi, sự ô nhiễm này như cái hoạ trên trời rớt xuống. Tôi đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường phải vào cuộc để bảo vệ môi trường sống, sức khoẻ và chuyện làm ăn của người dân".
Rất khó quản lý
Mang những thắc mắc đến Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, ông Ngô Chí Hưng, Chi cục trưởng, khẳng định: “Không mang cuộc sống, sức khoẻ và kinh tế của người dân đánh đổi với bất kỳ điều gì. Hiện tại, toàn tỉnh có một số khu công nghiệp và cụm kinh tế lớn như: Hoà Trung, Sông Ðốc, Khánh An, Năm Căn... Theo đúng luật định, trước khi đi vào hoạt động, các công ty, xí nghiệp đều phải có báo cáo đánh giá về tác động môi trường, được sự phê duyệt của cơ quan thẩm quyền. Ðối với cơ chế quản lý, hằng năm sẽ có kiểm tra, mời làm việc để trao đổi giải đáp các thắc mắc, phản hồi với doanh nghiệp những điều làm được và chưa làm được. Chi cục sẽ gởi thông báo cụ thể đến doanh nghiệp trên tất cả các nhiệm vụ bảo vệ và khắc phục những vi phạm về môi trường".
Ông Hưng nói, các ngành chức năng ghi nhận những ý kiến phản hồi của người dân, của báo chí. Nhưng thực tế, các khu công nghiệp toàn tỉnh chưa có nơi nào hoàn chỉnh được khu hạ tầng để bảo vệ môi trường. Nếu làm đúng bài bản, phải có nơi chứa và xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, nước thải… Trong khi đó, các công ty, xí nghiệp chủ yếu là mua lại đất của người dân, tự xây dựng và mỗi nơi làm một kiểu nên vô cùng khó trong việc quản lý. Ðặc biệt là các khu này lại nằm trong khu dân cư, ảnh hưởng tới đời sống của người dân lại càng khó tránh khỏi. Việc lắp các thiết bị quan trắc, đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường chưa thể làm một cách rộng rãi, bởi quy định phải có mức xả thải trên 1.000 m3/ngày mới đủ chuẩn. Trường hợp cụ thể ở khu Hoà Trung là chưa có bất kỳ thiết bị đánh giá về môi trường nào được lắp đặt, sử dụng".
Sau khi có dư luận của báo chí, của người dân, ngày 14/7, đoàn thanh tra liên ngành về môi trường của tỉnh do Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì đã kiểm tra đột xuất một số công ty, xí nghiệp tại Khu Công nghiệp Hoà Trung. Phóng viên đã liên hệ với Chánh Thanh tra của Sở Tài nguyên - Môi trường và nhận được phản hồi là khi nào có kết quả xét nghiệm mẫu chính thức sẽ cung cấp cho báo chí. Báo Cà Mau sẽ tiếp tục đăng tải kết quả kết luận của đợt kiểm tra trên. Với những phản ánh, bức xúc về tình hình ô nhiễm môi trường của các công ty, xí nghiệp làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ và việc làm ăn của người dân, Chi cục Bảo vệ Môi trường là địa chỉ tiếp nhận và sẽ tham mưu để nhanh chóng thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất. |
Ðề cập đến cơ chế kiểm tra, thường xuyên và đột xuất, đối với những công ty, xí nghiệp bị phản ánh làm ô nhiễm môi trường như thế nào, ông Hưng cho biết: "Nếu chi cục tiếp nhận phản ánh về tình hình ô nhiễm môi trường thì ngay lập tức sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Ðội thanh tra liên ngành sẽ làm việc trên tinh thần nghiêm túc để giải quyết thoả đáng nhất những phản ánh của người dân, của báo chí và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Hiện tại, chi cục đã thành lập được tổ kiểm tra đột xuất về các vấn đề môi trường mà không cần thông qua, báo trước với các doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng, chỉ khi làm một cách đột xuất thì những sai phạm về môi trường mới không bị lấp liếm, che giấu. Thực tế cho thấy, khi có kiểm tra thì các doanh nghiệp chấp hành tương đối tốt, nhưng sau đó thì lại lén lút thực hiện các hành vi xả thải bất chấp đến môi trường, cuộc sống của người dân".
Ông Hưng nói đã có đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh về việc xây dựng khu công nghiệp có mùi tách ra khỏi địa bàn dân cư. Ông cho biết UBND tỉnh đã đồng ý về chủ trương, giao Sở Xây dựng chủ trì nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Theo ông, với tình hình tại Khu Công nghiệp Hoà Trung, muốn khắc phục triệt để thì phải di dời để có một khu xử lý môi trường tập trung, đầy đủ hơn. Vấn đề còn nằm ở chỗ, phải có bên thứ 3 để xử lý các vấn đề về chất thải, nước thải và các nguy cơ ô nhiễm để đảm bảo tính khách quan, tránh tình trạng gian lận. Quan điểm của các ngành chức năng là sẽ nghiêm khắc xử lý các vi phạm về môi trường, kể cả những mức áp dụng cao nhất như đóng cửa./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên