Môi trường thêm rộng mở
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan,àokhởinghiệpDoanhnghiệpmuốnđượchỗtrợsátsườlich thi đấu c2 ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng: Nhìn chung hiện nay môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam tương đối thuận lợi. Điều này xuất phát từ sự phát triển của kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang tham gia ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày một sôi động, tạo thêm cơ hội cho DN khởi nghiệp với những ý tưởng sáng tạo. “Điều đáng nói là trong vấn đề khởi nghiệp, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã thể hiện khá rõ quyết tâm. Môi trường chính sách, pháp luật dù mới đang trong giai đoạn hình thành, song cũng theo hướng hỗ trợ cho quá trình khởi nghiệp”, ông Toàn nói.
Đứng từ góc độ DN, bà Phạm Thị Vân Anh (CEO của dự án khởi nghiệp Antoree - ứng dụng tìm gia sư tiếng Anh hoạt động tương tự cách định vị tìm taxi của Uber) cho hay: Thời gian qua, nhiều đơn vị khởi nghiệp tin tưởng vào việc Chính phủ và Nhà nước sẽ cởi mở hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái “startups” cạnh tranh hơn. Và thực tế, nhiều chính sách đổi thay hiện nay cũng phần nào thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Đã tiến hành khởi nghiệp thành công tại Singapore và dần dà phát triển ở thị trường Việt Nam, bà Vân Anh so sánh thêm: Mặc dù môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đã biến chuyển, song nếu xét cụ thể thì môi trường khởi nghiệp ở Singapore vẫn thuận lợi hơn. Đó là bởi, Singapore có hệ thống tài chính phát triển, gồm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và 1 nhóm quỹ được Chính phủ hỗ trợ vốn. Các trường Đại học tại Singapore cũng khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho sinh viên khởi nghiệp. Về mặt luật pháp và thể chế, tại Singapore, việc mở rộng đầu tư, chuyển vốn sang các quốc gia khác thuận lợi hơn.
“Từ Việt Nam, DN muốn chuyển vốn sang nước ngoài đều phải xin giấy phép. Ví dụ, DN muốn đầu tư 1 triệu USD từ Việt Nam sang Thái Lan phải xin giấy phép 1 triệu USD và muốn tiếp tục đầu tư thêm 2 triệu thì lại phải xin giấy phép cho 2 triệu USD. Với mô hình của Anotree, phải thanh toán quốc tế nhiều, tiến hành từ Singapore cũng thuận lợi, nhanh hơn, không cần giấy tờ, còn thanh toán quốc tế từ Việt Nam thì cần nhiều giấy tờ để chứng minh mục đích chuyển tiền quốc tế. Thời gian tới, tôi mong các thủ tục hành chính cho khối DN khởi nghiệp có thể đơn giản, nhanh và minh bạch hơn nữa”, bà Vân Anh nói.
Vẫn rất cần tháo gỡ
Mặc dù về môi trường chung đã có nhiều thuận lợi cho khởi nghiệp, tuy nhiên theo các DN đến nay mọi thứ mới bắt đầu manh nha và DN muốn khởi nghiệp thành công cần sự hỗ trợ sát sườn, cụ thể hơn nữa từ phía Chính phủ cũng như các bộ, ngành.
Ông Vương Công Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và May mặc Thiên Bằng cho biết: Là một DN quy mô nhỏ, khi khởi nghiệp cũng giống như hầu hết DN khác, Công ty ở trong tình trạng thiếu nhiều thứ như vốn, nhân lực, kinh nghiệm quản trị… Tất cả dẫn tới khả năng ứng phó của DN không cao. Mỗi khi có cơ quan chức năng vào kiểm tra, DN cảm thấy khá hoang mang. “Môi trường khởi nghiệp hiện tại tuy có rộng mở hơn, nhưng vẫn chưa thực sự sát sườn, cụ thể giúp các DN tháo gỡ mọi khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. DN mong muốn có thể có một đường dây nóng thường trực để hỗ trợ DN, nhất là trong bước đầu khởi nghiệp để khi cần DN hoàn toàn chủ động biết hỏi ở đâu, làm như thế nào. Bên cạnh đó, DN cũng hy vọng mỗi khi làm việc với DN, cơ quan quản lý luôn xem xét kỹ tình huống, hướng dẫn, nhắc nhở DN chứ không chỉ đơn thuần kiểm tra, xử phạt, làm nảy sinh tâm lý chán nản”, ông Bằng nói.
Liên quan tới vấn đề này, theo ông Phạm Đình Vũ, Phó Chánh văn phòng, Phòng Công tác Hiệp hội DN Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho DN, thời gian tới Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tạo hệ sinh thái tốt cho hoạt động khởi nghiệp. Điểm mấu chốt là chính sách phải cụ thể về nhiều vấn đề như hỗ trợ về thuế như thế nào, bảo hộ ý tưởng, bảo hộ sở hữu trí tuệ,… ra sao. “Đối với những DN có ý tưởng sáng tạo, khả thi, đặc biệt liên quan tới hoạt động công nghệ cao, thậm chí Chính phủ có thể đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt như ưu đãi liên tiếp về thuế trong khoảng 3 năm đầu thành lập”, ông Vũ nói.
Tại Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 ban hành ngày 16-5-2016, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2020 toàn quốc sẽ có 1 triệu DN. Với môi trường khởi nghiệp như hiện tại, nhiều chuyên gia nhìn nhận mục tiêu này tương đối khả thi. Tuy nhiên, con số không phải là tất cả.
Ông Toàn đánh giá, mấu chốt là số DN tồn tại phải thực chất và hoạt động hiệu quả. Muốn vậy, Chính phủ không những phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình khởi nghiệp mà còn cần phải tạo cơ chế thông thoáng cho DN phá sản. “Tôi biết có trường hợp DN đã ngừng hoạt động cả 10 năm nay rồi nhưng vì nhiều yếu tố, lý do vẫn chưa hoàn tất thủ tục phá sản. DN này có tồn tại cũng chỉ là DN ảo. Như vậy, ngoài nỗ lực hướng tới mục tiêu đạt con số 1 triệu DN, việc kiểm soát chặt chẽ sự sống còn của DN cũng vô cùng quan trọng”, ông Toàn nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:Phải làm hết sức mình để doanh nghiệp Việt lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới Tối 11-10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập - Phát triển” và trao cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng khẳng định: Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia. Việt Nam cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu mang thương hiệu Việt đến với thế giới. Hiện Việt Nam có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, riêng 9 tháng qua có hơn 91.000 doanh nghiệp mới thành lập. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh. “Chúng ta phải phấn đấu để đến năm 2020 cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp và không chỉ tăng lên về số lượng, mà chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ”, Thủ tướng nói. Ngày nay quốc gia nào có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì quốc gia đó thu được nhiều lợi ích trong hội nhập kinh tế quốc tế. “Chúng ta phải làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, doanh nghiệp cũng có những khát khao như vậy, nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, hình thành được các sản phẩm, các thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. “Để cụ thể hóa chủ trương này của Chính phủ, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện ‘3 đồng hành, 5 hỗ trợ’ đối với doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu. Ba đồng hành là đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, đầu tư… bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Năm hỗ trợ là: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Thủ tướng kêu gọi mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh trí tuệ, tập hợp sức mạnh thời đại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức để tiếp tục khởi nghiệp và phát triển bền vững, làm giàu cho chính mình, vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. |