Trong báo cáo đánh giá kinh tế 11 tháng, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (GDTCQG) cho rằng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2015 tăng 8,3% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều mức tăng xuất khẩu ước tính cho năm 2015 của thế giới (5,1%) cũng như của ASEAN-5 (bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippine và Việt Nam - 8%) và Trung Quốc (6,8%).
Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý xuất khẩu tăng trưởng khá là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khi xuất khẩu của khu vực trong nước 11 tháng đầu năm 2015 giảm 2,6% so với cùng kì 2014 (cùng kì 2014 tăng 10,6%).
Việc so sánh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với khu vực và thế giới chỉ có tính chất tương đối. Bởi nếu chỉ xét về tốc độ tăng đơn thuần về mặt số liệu thì mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là đáng khích lệ. Song đóng góp của xuất khẩu vào nền kinh tế còn phụ thuộc vào giá trị gia tăng đem lại. Trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, xuất khẩu thô thì giá trị gia tăng đem lại không cao.
Gần đây, Tổng cục Thống kê dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2015 có thể vỡ kế hoạch đặt ra là tăng 10%. Lý do là giá dầu thô và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm.
Về thu ngân sách, Ủy ban GSTCQG đánh giá: Năm 2015 tổng thu ngân sách nhà nước dự báo vẫn đạt và vượt dự toán.
“Mặc dù thu từ dầu thô giảm nhưng được bù đắp bởi thu nội địa nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 ước đạt 927,5 nghìn tỷ đồng, vượt 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so cùng kỳ 2014” - Ủy ban GSTCQG nhận định.
Ngoài ra, phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) cũng có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực trong tháng 11. Lần đầu tiên sau 1 năm đã diễn ra phiên đấu thầu TPCP kỳ hạn 3 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành. Phiên phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm đã thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và đạt tỷ lệ trúng thầu 100%, 6.000 tỷ đồng đã được bán hết tại mức lãi suất 5,9%/năm. Nhu cầu của thị trường đối với kỳ hạn 3 năm hiện vẫn tương đối lớn.