Cùng với các diễn biến khác,ưngtrườngquốctếcóđanglậplờlịch thi đâu cúp c1 vấn đề danh xưng trường quốc tế khiến dư luận quan tâm.
Những cách hiểu phổ biến về trường quốc tế
Đầu tiên phải kể đến các trường do cơ quan ngoại giao thành lập như Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS) – ngôi trường được thành lập bởi Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Việt Nam, giảng dạy theo Chương trình IB và có mức học phí khoảng 500 triệu/năm.
Hay như Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin (LFAY) – ngôi trường nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Cơ quan Giáo dục Pháp, học theo chương trình giáo dục của Pháp và có mức học phí hơn 170 triệu/ năm, …
TS Vũ Thị Phương Anh, một nhà nghiên cứu về giáo dục quốc tế, cho biết, trên thế giới hiện nay đang tồn tại một số cách hiểu khác nhau về “trường quốc tế chuẩn”, trong đó có 2 cách hiểu phổ biến nhất.
Cách hiểu thứ nhất hẹp hơn, xem “trường quốc tế” là trường được tổ chức Tú tài quốc tế (International Baccalaureate, viết tắt là IB) ủy quyền giảng dạy chương trình của mình.
Một trường muốn được ủy quyền phải đáp ứng những điều kiện khắt khe và trải qua quá trình tư vấn, giám sát và đánh giá nghiêm ngặt.
Một số đặc điểm chính của chương trình IB bao gồm (1) được giảng dạy bằng một trong 3 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha; (2) có mục tiêu đào tạo người học thành công dân toàn cầu, có tư duy mở và có hiểu biết rộng rãi về thế giới; (3) chương trình học được công nhận toàn cầu và học sinh có thể dễ dàng chuyển từ trường này sang trường khác.
Cách hiểu thứ 2 dựa trên định nghĩa của Hội Sự nghiệp Thư viện Trường học quốc tế (IASL). Theo đó, “trường quốc tế” bao gồm nhiều đặc điểm liên quan đến môi trường học tập, chương trình giảng dạy và văn bằng chứng chỉ.
Cụ thể, môi trường học tập là môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ, trong đó học sinh và giáo viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, nói các ngôn ngữ khác nhau, và thường xuyên di chuyển.
Ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy là tiếng Anh hoặc song ngữ (gồm tiếng Anh và ngôn ngữ địa phương).
Chương trình giảng dạy sử dụng chương trình quốc tế như IB hoặc các chương trình xuất phát từ một quốc gia nhưng được công nhận rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới (ví dụ: Cambridge, Edexcel…).
Văn bằng, chứng chỉ được kiểm soát thông qua các kỳ thi do chính các tổ chức quốc tế cung cấp (ví dụ: AP, IGCSE, Cambridge, IB DP…), hoặc được thẩm định và công nhận bởi các tổ chức kiểm định hoặc hiệp hội giáo dục quốc tế (ví dụ: CIS, IBO, WASC,...)
TS Phương Anh cho rằng, trong các yếu tố trên, yếu tố đầu tiên có thể có những du di mức độ khác nhau (chẳng hạn, trường quốc tế nhưng hầu như chỉ có học sinh Việt Nam), nhưng một trường quốc tế nhất thiết phải dạy bằng ngôn ngữ quốc tế, nội dung có tính quốc tế và văn bằng chứng chỉ được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, theo những cách nhìn nhận khắt khe khác thì một trong những yếu tố làm nên tính chất "quốc tế" của trường học là phải có sự đa dạng quốc tịch của học sinh.
Trường quốc tế dạy chương trình gì?
Theo thống kê của CIS - Hội đồng các trường quốc tế - một tổ chức uy tín về giáo dục quốc tế, có 14 chương trình quốc tế đang được giảng dạy phổ biến, gồm: GCE Advance Level (Alevel), Advance Placement (AP), Advance International Certificate of Education (AICE), Advance Subsidiary (AS Level), Genaral Cert of Secondary Education (GCSE), IB Related Programme (CP), IB Diplomma Programme (DP), International Programme Curiculum (IPC), IB Middle Year Progamme (MYP), IB Primary Years Progamme (PYP), Cambridge ICGSE, International Middle Years Curiculum (IMYC), Monterssori và Cambridge-U.
Có thể thấy hầu hết chương trình này đều được xây dựng trên chương trình khung quốc gia của Anh (có định hướng mở) hoặc chương trình tú tài quốc tế IB.
Các cơ quan quản lý ở Hà Nội và TP.HCM thì dùng cụm từ " trường có yếu tố nước ngoài” để định danh kiểu trường này.
Trong danh sách 21 trường có yếu tố nước ngoài được Sở GD-ĐT TP.HCM niêm yết trên website, dù là trường do nhà đầu tư trong nước hay quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn, dù dạy theo chương trình Việt Nam hay chương trình của nước ngoài, hầu hết các trường đều có chữ quốc tế trong tên gọi của mình (16/21 trường). Ở Hà Nội, một quan chức giáo dục cho hay, Thủ đô có 11 trường quốc tế, trong khi số trường gắn chữ "quốc tế" nhiều hơn thế.
Học phí quốc tế đắt đỏ ra sao?
Hai trường Trường quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS) và Trường Quốc tế Hà Nội (HIS) là những trường quốc tế dạy chương trình đa dạng như: IBDP, IBMYP, IBPYP.
Đây cũng là các trường có mức học phí hàng năm lên tới 400-500 triệu đồng với bậc tiểu học, 600-750 triệu đồng với các bậc cao hơn. Cùng phân khúc học phí đó và dạy các chương trình của Anh còn có Trường Quốc tế Anh (BIS), Trường Quốc tế Anh Việt (BVIS) và Trường TH School. Còn ở TP.HCM phải kể đến Trường Quốc tế Nam Sài Gòn, Trường Quốc tế TP.HCM, Trường Quốc tế Renaissance Sài Gòn,v.v...
Năm nay, ở Hà Nội xuất hiện thêm một trường quốc tế Malaysia dạy theo chương trình của Anh là Trường Quốc tế ParkCity và học phí cũng thuộc hàng "đắt đỏ" tốp đầu. Còn ở TP.HCM, một trường phổ thông vừa được mở trong lòng trường ĐH (Tôn Đức Thắng) cũng có tên "quốc tế" là trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan.
Những trường "có yếu tố nước ngoài" thuộc loại hình trường tư thục và do đó không bị khống chế mức trần học phí. Có thể nói, mức học phí này được điều tiết theo "thị trường bất đối xứng". Thậm chí, các nguyên tắc của kinh doanh được áp dụng triệt để. Tháng 6 vừa qua, một cơ sở của Trường Quốc tế Singapore tại TP. Đà Nẵng thu "phí tiền cọc" bị phụ huynh phản đối vì cho rằng ngoài luật, thậm chí có yếu tố "chiếm dụng vốn". Đại diện trường dẫn luật Dân sự ra và sau đó thì trường từ chối cung cấp dịch vụ giáo dục cho phụ huynh.
Trường "có yếu tố nước ngoài" ở Việt Nam được kiểm định ra sao?
Một tiêu chí khác để xem xét “tính chất quốc tế” là các trường gia nhập và được các tổ chức kiểm định về chất lượng giáo dục công nhận như thế nào.
Chẳng hạn, theo thông tin trên website của Hội đồng các trường quốc tế CIS, Hà Nội có 6 trường thành viên, trong đó 3 trường đã được tổ chức này kiểm định; còn TP.HCM có tới 12 trường thành viên và 9 trường trong số đó đã được CIS kiểm định.
Cụ thể ở Hà Nội có các trường Trường Quốc tế Anh Việt (BVIS), Trường quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội (UNIS), Trường Quốc tế Hà Nội (HIS) được kiểm định; 3 trường thành viên còn lại gồm Trường Song Ngữ Liên Cấp Quốc Tế Gateway, Trường Vinschool Times City và Trường PTLC Vinschool The Harmony đang trong tiến trình chờ kiểm định.
Tại TP.HCM, 3 trường thành viên của CIS nhưng chưa được tổ chức này kiểm định gồm: Trường PTLC Vinschool Central Park, Trường Quốc tế Á Châu và Trường Quốc tế Bắc Mỹ.
Còn lại 9 trường thành viên được tổ chức này kiểm định gồm: Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AIS), Trường Quốc tế Úc (AISVietnam), Trường quốc tế Anh (BIS), Trường quốc tế Việt Anh, Trường quốc tế Âu châu, Trường quốc tế TP.HCM, ISHCMC - American Academy, Trường quốc tế Sài Gòn Pearl (SSP), Trường quốc tế Khai Sáng,
Có một số trường không tham gia CIS và do CIS kiểm định, nhưng lại được kiểm định bởi những tổ chức khác như Trường Quốc tế Mỹ (TAS), Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS) được kiểm định bởi Hiệp hội các trường Phổ thông và Đại học miền Tây Hoa Kỳ (WASC).
Trường song ngữ trong xu thế "quốc tế hoá"
Nếu như cụm từ “xã hội hoá giáo dục” xuất hiện phổ biến từ thời kinh tế mở cửa thì đến giờ, đi cùng với các nhà đầu tư giáo dục là cụm từ “quốc tế hoá”. Với tính chất năng động nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của phụ huynh, các trường tư thục đã bổ sung chương trình bổ trợ bên cạnh việc bắt buộc giảng dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Đó là các chương trình song ngữ Cambridge - thường được biết tới với cái tên hệ Cam. Không chỉ trường tư thục, một số trường công của Hà Nội còn được “mở cửa” để đưa chương trình song bằng vào. Kết thúc phổ thông, ngoài bằng THPT Việt Nam học sinh còn tham gia các kỳ thi để lấy chứng chỉ tú tài quốc tế Alevel. Chi phí đi học hằng năm ở các trường này dao động từ hơn 100 triệu đến 200 triệu đồng.
Có những trường về bản chất là trường song ngữ như Gateway nhưng đăng ký tên là quốc tế và chủ động tham gia vào hệ thống chờ kiểm định quốc tế.
Không tham gia vào CIS, cũng chẳng gắn chữ quốc tế vào tên, nhưng một trong những trường day song ngữ khác của Việt Nam sớm đón đầu xu hướng “quốc tế hoá” là trường Nguyên Siêu đã chính thức gia nhập hệ thống các trường phổ thông quốc tế của ĐH Cambridge Vương quốc Anh (bậc Trung học và bậc Tiểu học) với mã số trường là VN236.
Có trường gắn từ quốc tế hẳn hoi, vào website của trường còn viết sai chính tả phần tiếng Việt (ví dụ phần giới thiệu có câu "Chương trình học giúp các em không nản trí khi thất bại").
Để kể tới một biểu hiện của xu hướng "quốc tế hoá" trong giáo dục phổ thông, giới nghiên cứu còn xem xét cả mô hình trường học mới VNEN (mô hình trường học Columbia) đã từng được triển khai ở 4.400 trường trên toàn quốc.
Có lập lờ, láo nháo?
Vài năm qua, với những nỗ lực sửa đổi thể chế như mở rộng điều khoản của luật giáo dục, thay nhiều chính sách của Nghị định 86, các tập đoàn giáo dục đã chọn "trường quốc tế" như một đầu tư ưu tiên. Cũng trong bối cảnh trường dán mác quốc tế không được giám sát kịp thời, đã phát sinh chuyện trường "ma" George Washington International School thò bàn tay liên kết sâu rộng, nhập nhèm mác quốc tế để "móc túi" phụ huynh Việt Nam.
Vấn đề "tên trường quốc tế" không chỉ là tranh cãi của riêng Việt Nam. Theo một nhà đầu tư vừa mở trường quốc tế có phân khúc học phí cao cấp ở Hà Nội, thì tại Malaysia cũng có khoảng 200 trường có chữ "quốc tế". Giới giáo dục nước sở tại khi nói chuyện với nhau cũng dùng các khái nhiệm như “trường quốc tế nhái” nhằm chỉ vào các trường có đội ngũ giảng viên chưa chuẩn xịn, dạy chương trình còn nửa quốc gia, nửa quốc tế.
Về điều này, TS Phương Anh cũng đề cập: “Từ thập niên 2000, UNESCO đã có nhiều cảnh báo với các nước đang phát triển về vấn đề này. Họ đã cho xuất bản tài liệu miễn phí và tổ chức nhiều hội thảo phổ biến rộng rãi đến các nước thế giới thứ ba về vấn đề cần “bảo vệ người tiêu dùng trong giáo dục xuyên biên giới” (consumer protection in cross-border education). Rất tiếc là các nước này chưa quan tâm đầy đủ đến các khuyến cáo của UNESCO”.
Đặc biệt, khi các trường có danh quốc tế xảy ra sự cố (như trường Newton liên kết với trường GWIS, hay trường Gateway để xảy ra chuyện học sinh tử vong) mới thấy phản ứng của cơ quan chức năng chậm trễ và tránh né; cùng lắm là "ra mưa văn bản" hay nhắc lại những điều đã nói trong các điều luật, nghị định, thông tư.
Trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Tia Sáng “Quốc tế hoá giáo dục Việt Nam còn lung túng và ở thế yếu”, TS Đỗ Thị Ngọc Quyên nhìn nhận:
"Các hoạt động quốc tế hóa diễn ra tại Việt Nam có nhiều lý do và mục đích. Người học đi du học ngày càng nhiều, phụ huynh có xu hướng lựa chọn các trường, chương trình có yếu tố quốc tế ở trong nước rõ ràng là do thiếu niềm tin vào chất lượng giáo dục nội địa ở mọi cấp bậc và sự sính ngoại, ưa chuộng giáo dục quốc tế. Từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, việc đi tìm giải pháp từ các mô hình, chính sách ở bên ngoài biên giới phần nào cho thấy sự lúng túng trong việc tìm đường đi cho cải cách và đổi mới. Đối với các nhà quản lý giáo dục cấp cơ sở và các nhà đầu tư, kinh doanh giáo dục, việc gắn mác “quốc tế” chủ yếu nhằm đánh vào mối quan tâm và thị hiếu của phụ huynh và người học".
Theo bà, đúng là quốc tế hóa có đem đến diện mạo mới và nhiều thay đổi, nhưng còn nhiều lộn xộn, chưa hẳn xuất phát vì chất lượng đào tạo và cũng chưa đem lại những kết quả đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục.
Dù thừa nhận các trường gắn mác quốc tế không sai vì dân được làm những gì luật pháp không cấm, nhưng theo TS Phương Anh, vẫn cần có quy định về “danh xưng” trường quốc tế. Điều quan trọng hơn là cần lập một cơ sở dữ liệu các “trường quốc tế” đã đăng ký với đầy đủ thông tin về nội dung chương trình, ngôn ngữ giảng dạy; thông tin về việc kiểm định hoặc công nhận quốc tế. Đồng thời, cần yêu cầu các trường quốc tế phải minh bạch các thông tin này trên website của mình và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm.
Chỉ khi nào có sự minh bạch thông tin thì mới có được sự giám sát toàn dân; lúc ấy mới có được sự phát triển lành mạnh đối với trường quốc tế tại Việt Nam.
Khi đưa câu hỏi "Trong giới nghiên cứu, vấn đề trường quốc tế nói riêng, xu hướng quốc tế hoá giáo dục đang có những vấn đề gì đáng chú ý đang được thảo luận?”, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời không phải đề cập tới chương trình nọ hay bằng cấp kia, mà là thế này: “Do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa và mạng internet, nhu cầu “trở thành công dân toàn cầu” ngày càng lớn, kể cả đối với những người học hầu như ít có điều kiện để sinh sống và làm việc ngoài đất nước nơi mình sinh ra, nên “giáo dục quốc tế” ngày càng trở nên quan trọng và ngày càng được quan tâm. Theo cách hiểu rộng nhất thì “giáo dục quốc tế” không nằm ở các yếu tố bên ngoài như phải sử dụng ngôn ngữ quốc tế, theo chương trình của nước ngoài, văn bằng do nước ngoài công nhận, mà cốt là ở nội dung và mục tiêu giảng dạy, miễn sao có thể góp phần phát triển người học trở thành một “công dân toàn cầu”, tức có hiểu biết về thế giới, tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau ….” Chúng tôi lại nhớ đến vụ khủng hoảng mà trường Gateway đang gặp phải. Dù đang nỗ lực hội nhập quốc tế với sự hiện diện thầy Tây, chương trình quốc tế, nhưng trong cách giải quyết của chủ trường, của bộ phận quản lý và các cơ quan quản lý, những giá trị xuyên biên giới của "công dân toàn cầu" - cũng là giá trị bất biến của mọi nền giáo dục như lòng trắc ẩn, sự tử tế và sự trung thực, tính minh bạch…lại chưa có cơ hội được thể hiện, để "hội nhập quốc tế".
|
Hạ Anh - Thúy Nga - Lê Huyền
Bộ Giáo dục khẳng định trong luật của Việt Nam không có khái niệm trường quốc tế
- Sau vụ bé 6 tuổi của Trường Gateway tử vong trên xe đưa đón, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD-ĐT) về việc quản lý nhà nước đối với các trường mang danh "quốc tế":