Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hùng Vương vừa công bố nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông văn bản về chủ trương tái cơ cấu nợ của công ty.
Ngày đăng ký cuối cùng là 5/3. Thời gian gửi văn bản và nhận phản hồi từ cổ đông từ ngày 11/3 đến 11/4. Thời gian thực hiện kiểm phiếu và công bố kết quả trong tuần từ ngày 12 - 19/4.
Cụ thể, Hội đồng quản trị trình cổ đông thoái vốn toàn bộ tại 4 công ty thành viên nhằm mục đích huy động vốn để thanh toán, xử lý triệt để các khoản nợ vay của công ty. Theo đó, Hùng Vương dự kiến thoái hết 79,58% vốn điều lệ đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang(AGF). Vốn điều lệ của AGF hiện tại hơn 281 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hùng Vương cũng thoái vốn tại Công ty cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) - công ty có vốn điều lệ lớn nhất lên tới 1.045 tỷ đồng. Hiện, Hùng Vương đang nắm giữ 50,38% vốn của doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, Hùng Vương dự định bán hết 89,99% vốn tại Công ty cổ phần Thức ăn Thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long. Công ty con này có vốn điều lệ là 80 tỷ đồng.
Với Công ty TNHH Hùng Vương Châu Á, công ty này có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, trong đó Hùng Vương đang sở hữu 85% vốn. Hùng Vương sẽ bán toàn bộ hoặc sẽ bán kho lạnh là tài sản chính thuộc sở hữu của mình.
Công ty cổ phần Hùng Vương bắt đầu hoạt động từ năm 2003 tại khu Công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ngành nghề chính là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu.
Chỉ sau 5 năm hoạt động, đến 2009, vốn điều lệ của Hùng Vương đã tăng lên gần 600 tỷ đồng, là nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra có mô hình sản xuất chế biến khép kín hàng đầu Việt Nam về quy mô hoạt động, kim ngạch xuất khẩu và chất lượng sản phẩm. Cũng trong năm 2009, công ty chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu HVG.
Năm 2011, Hùng Vương đã trở thành doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp duy nhất có quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Công ty còn góp mặt vào mảng bất động sản và mở rộng các kênh phân phối sang cả nước ngoài.
Trong lần cuối cùng công bố báo cáo tài chính hợp nhất vào năm 2019, Hùng Vương đang có 9 công ty con. Tại thời điểm cuối năm 2019, Hùng Vương có tổng tài sản ghi nhận tại 7.792 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn lên tới gần 3.629 tỷ đồng, dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi gần 1.043 tỷ.
Hàng tồn kho ghi nhận ở 1.596 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đến 31/12/2019, doanh nghiệp này có số nợ phải trả hơn 7.134 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng (ngắn hạn và dài hạn) là hơn 3.000 tỷ đồng, gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu ghi nhận tại 658 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng lỗ lũy kế của Thủy sản Hùng Vương đã lên tới gần 1.743 tỷ đồng.
Đầu năm 2020, Hùng Vương quyết định bắt tay với Thadi - thuộc Thaco Group để giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn.
Tuy nhiên, công cuộc giải cứu này chỉ kéo dài thời gian ngắn khi đến tháng 8/2020, Hùng Vương bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) hủy niêm yết bắt buộc và phía Thaco cũng đã thoái sạch số cổ phần tại Hùng Vương sau gần một năm đầu tư.
Hiện tại cổ phiếu HVG vẫn nằm trong diện đình chỉ giao dịch do phía công ty không có biện pháp khắc phục nguyên nhân dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch theo quy định của Luật Chứng khoán. Đồng thời công ty vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, chưa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán của các năm 2020, 2021, 2022.