Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: T.H |
Ngày 17/11, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đơn vị này đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022.
Đây là lần đầu tiên LCI cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022 được thực hiện. LCI phản ánh bức tranh chung về tình hình logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam hướng tới việc nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, tính liên kết vùng và phát triển bền vững của hệ thống logistics cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp, báo cáo được thực hiện hơn 1 năm, từ ngày 11/8/2022 cho đến tháng 11/2023. Do không nhận được phiếu kết quả khảo sát đầy đủ của LSP (công ty cung cấp dịch vụ logistics) của 5 địa phương bao gồm: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thái Bình, Nghệ An và Thanh Hóa nên tạm thời các địa phương này không được xếp hạng cũng như đánh giá LCI 2022.
Như vậy, với lần đánh giá này, có 21 địa phương ở tất cả các vùng kinh tế trong cả nước được đánh giá và xếp hạng LCI. Với thang điểm 0 – 100, 21 tỉnh thành này đã nhận được số điểm từ 43,3 đến 74,3 điểm. Nhìn vào phổ điểm này chúng ta có thể nhận thấy, các địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm hoàn thiện mạng lưới dịch vụ logistics.
Theo VLA, LCI sẽ được duy trì thường kỳ nhằm cung cấp bức tranh logistics của tất cả các tỉnh, thành tại Việt Nam dựa trên 5 trụ cột chính gồm: kinh tế, dịch vụ logistics, khung pháp lý và chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực logistics.
Lãnh đạo VLA và đại biểu tại lễ công bố LCI |
Trong tương lai, việc đánh giá LCI cấp tỉnh của Việt Nam trong những lần tiếp theo sẽ được tích hợp các kết quả cập nhật từ dữ liệu thứ cấp để đánh giá chính thức điểm số của các địa phương và là căn cứ thể hiện năng lực logistics của các địa phương (chẳng hạn thông qua số liệu thực tế về hạ tầng giao thông vận tải, trung tâm logistics, kho bãi…).
Đặc biệt, VLA và nhóm nghiên cứu LCI đề xuất như một kết quả quan trọng rút ra từ quá trình nghiên cứu đó là khẳng định mô hình Hệ thống logistics cần thiết bao gồm 5 yếu tố là: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực (yếu tố mới thay vì trước kia được thể hiện như là hạ tầng mềm trong hợp phần cơ sở hạ tầng), các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà sử dụng dịch vụ logistics và khung thể chế - chính sách thay vì sử dụng mô hình trước đây chỉ có 4 yếu tố.
Danh sách xếp hạng chỉ số LCI theo địa phương và khu vực
TT | Khu vực | Tỉnh/Thành phố | Thứ hạng LCI | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
1 | Đông Nam Bộ | Thành phố Hồ Chí Minh | 1 | |
2 | Đồng bằng sông Hồng | Hải Phòng | 2 | |
3 | Đông Nam Bộ | Bình Dương | 3 | |
4 | Đông Nam Bộ | Bà Rịa - Vũng Tàu | 4 | |
5 | Đồng bằng sông Hồng | Hà Nội | 4 | |
6 | Đông Nam Bộ | Đồng Nai | 6 | |
7 | Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | Đà Nẵng | 7 | |
8 | Đồng bằng sông Hồng | Bắc Ninh | 8 | |
9 | Đồng bằng sông Cửu Long | Long An | 9 | |
10 | Đồng bằng sông Cửu Long | Cần Thơ | 9 | |
11 | Trung du và Miền núi phía Bắc | Bắc Giang | 11 | |
12 | Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | Bình Định | 12 | |
13 | Tây Nguyên | Lâm Đồng | 13 | |
14 | Tây Nguyên | Đắk Lắk | 14 | |
15 | Trung du và Miền núi phía Bắc | Điện Biên | 14 | |
16 | Tây Nguyên | Gia Lai | 16 | |
17 | Đồng bằng sông Cửu Long | Kiên Giang | 16 | |
18 | Trung du và Miền núi phía Bắc | Phú Thọ | 16 | |
19 | Đồng bằng sông Cửu Long | Tiền Giang | 19 | |
20 | Đồng bằng sông Cửu Long | An Giang | 20 | |
21 | Trung du và Miền núi phía Bắc | Tuyên Quang | 21 | |
22 | Trung du và Miền núi phía Bắc | Lạng Sơn | N/A | Không xếp hạng |
23 | Trung du và Miền núi phía Bắc | Thái Nguyên | N/A | Không xếp hạng |
24 | Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | Nghệ An | N/A | Không xếp hạng |
25 | Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung | Thanh Hóa | N/A | Không xếp hạng |
26 | Đồng bằng sông Hồng | Thái Bình | N/A | Không xếp hạng |
LCI cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022 thể hiện mong muốn của VLA và Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam và các đối tác trong việc có một kết quả đánh giá xếp hạng khách quan về năng lực cạnh tranh logistics giữa các địa phương.
Kết quả LCI đồng thời cũng là căn cứ quan trọng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc định hướng chiến lược kinh doanh và ra quyết định đầu tư nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, kết quả LCI sẽ là nguồn tham khảo có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển logistics hướng tới phạm vi liên kết vùng và thúc đẩy sự phát triển logistics của Việt Nam.
VLA được thành lập ngày 18/11/1993 với 7 hội viên, đến nay sau 30 năm phát triển đã có 745 hội viên, và ngành logistics đã có bước phát triển vượt bậc; kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta đã tăng hơn 200 lần từ 3 tỷ USD lên hơn 700 tỷ USD. VLA tự hào đi cùng tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam, tham gia sâu rộng vào các mặt của kinh tế đất nước, thúc đẩy dòng hàng hóa lưu chuyển hiệu quả, giúp mạch máu của nền kinh tế luôn thông suốt. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, trong thời gian tới, VLA sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức và phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của hội viên; tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, tập trung vào các thị trường khu vực ASEAN, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ La Tinh bên cạnh các thị trường truyền thống; đẩy mạnh công tác đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, tập trung thực hiện các dự án có hiệu quả cao cho Hội viên. Phấn đấu tới năm 2030, 100% hội viên thực hiện có kết quả công tác chuyển đổi số, phục vụ kinh doanh có hiệu quả. Triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả xuất nhập khẩu nông sản... |