Nếu "thẻ vàng" không sớm được tháo gỡ,Điểmmặtampquottháchthứctronggỡbỏthẻvàngampquotcủxếp hạng ngoại hạng trung quốc xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường EU sẽ khó khăn. Ảnh: Nguyễn Thanh. Khó khăn xử lý vi phạm Từ đầu năm đến nay, Kiên Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản IUU, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm về tàu và ngư dân khai thác trái phép tại nước ngoài, tăng cường tuyên truyền giáo dục cho ngư dân... 7 tháng đầu năm, tổng số tàu cá vi phạm khi khai thác tại vùng biển nước ngoài là 14 tàu với 129 ngư dân, giảm 24 tàu và 230 ngư dân so với cùng kỳ năm trước. "Dù đã giảm song các vụ vi phạm vẫn diễn ra. Đây là thiếu sót, tỉnh chưa giải quyết triệt để vấn đề", ông Nhịn nói. Ông Nhịn cũng cho hay, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyên truyền, giáo dục cũng như xử lý các vi phạm. "Công tác tuyên truyền chủ yếu thực hiện với chủ tàu, còn thuyền trưởng và thuyền viên ít tuyên truyền được bởi họ hầu như ở trên biển. Thực ra, chủ tàu, thuyên viên, thuyền trưởng không phải không biết quy định nhưng vì nguồn lợi thủy sản, vì mục đích kinh tế họ vẫn tiến hành khai thác trái phép. Bên cạnh đó, quá trình xử lý các vi phạm cũng khá khó khăn bởi thuyền trưởng vi phạm đã bị bắt giữ ở nước ngoài. Trong khi đó, cơ quan chức năng không thể xử lý chủ tàu bởi đây không phải đối tượng vi phạm", ông Nhịn nói. Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Tỉnh Cà Mau cũng đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Thuyền trưởng và ngư cụ trong các vụ việc vi phạm đều bị bắt giữ tại nước ngoài nên cơ quan quản lý địa phương chưa thể tiến hành điều tra. Đại diện tỉnh Bình Định chia sẻ thêm: Trong các vụ việc tàu cá khai thác trái phép bị bắt giữ tại nước ngoài, tỉnh phải cử cả lực lượng Công an, đại diện Chi cục Thủy sản vào làm việc với các chủ tàu, song vẫn rất khó khăn trong chế tài xử lý. Đại diện lãnh đạo nhiều địa phương cho hay, các địa phương còn hạn chế trong am hiểu pháp luật, lúng túng khi xử lý vi phạm, xử lý phương tiện. Bởi vậy, các địa phương đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương với địa phương, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng như Kiểm ngư, Cảnh sát biển và cơ quan Hải quan. Vướng thiết bị giám sát hành trình Một điểm vướng mắc nổi cộm hiện nay mà hầu hết địa phương đều gặp phải là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo ông Nhịn, từ trước tới nay, địa phương chỉ động viên, hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, theo Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là bắt buộc. Hiện nay, địa phương còn chưa rõ quy chuẩn, tiêu chuẩn của thiết bị giám sát hành trình như thế nào. Để việc triển khai suôn sẻ, tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành thông số kỹ thuật với thiết bị giám sát hành trình. Về nội dung này, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nêu rõ: Các tàu cá hiện hoạt động rất phức tạp. Bộ NN&PTTN cần nghiên cứu kỹ, sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý thông qua thiết bị giám sát hành trình. "Về thiết bị giám sát hành trình, điểm đáng lưu ý không nên ốp cứng mà tạo cơ chế để địa phương có sự lựa chọn, địa phương tự quản lý", ông Chữ nói. Góp thêm ý kiến vào câu chuyện thiết bị giám sát hành trình, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện Quảng Ninh có 610 tàu đánh bắt xa bờ. Trong số đó, tỉnh đã lắp đặt 40% thiết bị giám sát hành trình cho các tàu. Nếu làm tốt, khâu giám sát các tàu tương đối tốt. Ông Hậu nhấn mạnh: "Ngoài lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, khâu tuần tra, kiểm soát trên biển cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng bởi hoạt động riêng một lực lượng như Kiểm ngư hay Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển... khá khó khăn". Ông Lê Văn Sử chia sẻ khá chi tiết câu chuyện của Cà Mau: "Về thiết bị giám sát hành trình, tỉnh đã đặt hàng Viettel sản xuất thử nghiệm. Tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị để thực hiện. Với riêng Cà Mau, tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT khảo sát thực tế thiết bị đã đặt hàng Viettel sản xuất xem có đáp ứng được tính năng, yêu cầu hay không, cho ý kiến để tỉnh tiến hành trang bị cho ngư dân". Trước những vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Bộ NN&PTNT sẽ tập hợp các ý kiến, có hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về thiết bị giám sát hành trình. Với riêng tỉnh Cà Mau, Bộ NN&PTNT sẽ giao Tổng cục Thủy sản cử đại diện vào đánh giá thiết bị mà Cà Mau đã đặt hàng Viettel sản xuất. Nếu thiết bị hiệu quả, Bộ NN&PTNT sẽ có thông báo sớm để tỉnh triển khai. Để triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" cho hải sản, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU của Chính phủ trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Tổ công tác liên ngành 689 Trung ương, do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm Trưởng ban. Điều này nhằm đảm bảo công tác chỉ đạo tập trung, thống nhất, hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương ven biển, thiết lập được cơ chế phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả về công tác phòng, chống khai thác IUU... Theo kế hoạch, tháng 10/2018, Đoàn Nghị viện châu Âu gồm 30 thành viên, trong đó có 8 nghị sỹ sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác IUU tại Việt Nam. Đến tháng 1/2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá của Đoàn, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam. Trước đó, ngày 23/10/2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản XK của Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018). Từ ngày 16 đến 24/5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện 9 khuyến nghị của EC về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Đoàn kiểm tra đã ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ quan Trung ương trong việc chống khai thác IUU. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực địa, Đoàn Thanh tra EC cho rằng, tình hình thực hiện chống khai thác IUU của Việt Nam triển khai trên thực tiễn tại các địa phương còn chưa được cải thiện đáng kể. |
|