Xuất khẩu đạt khoảng 31 tỷ USD
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Lũy kế tới hết tháng 9, kim ngạch XK dệt may đạt 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong quý IV, XK dệt may sẽ đạt 8 tỷ USD, nâng tổng giá trị XK dệt may cả năm lên 31 tỷ USD (con số này đã vượt mục tiêu 29,5 tỷ USD kim ngạch XK đặt ra từ đầu năm), tăng 10% so với năm 2016. Trong đó, các thị trường XK chính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có mức tăng trưởng tốt.
Liên quan tới vấn đề XK dệt may thời gian qua, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek) phân tích sâu hơn: Thực tế, suốt từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2017, tình hình XK dệt may khá ảm đạm. Một trong những yếu tố tác động không tích cực tới ngành xuất phát từ việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), làm cho một số khách hàng có ý định chuyển đơn hàng về Việt Nam có dấu hiệu khựng lại.
“Mặc dù vậy, bước sang nửa cuối năm 2017, các DN trong ngành đã tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đồng thời nhanh chóng cải thiện hệ thống sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính điều này đã giúp cải thiện đáng kể tình hình thị trường XK”, ông Hồng nói.
Về triển vọng XK dệt may trong năm 2018, theo ông Hồng, năm nay, XK dệt may không có nhiều thuận lợi nhưng tăng trưởng vẫn đạt khoảng 10% thì trong năm 2018, dự kiến tăng trưởng của ngành còn tốt hơn. Với chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ của Chính phủ và sự nỗ lực tự thân, chuẩn bị của các DN, dự kiến tăng trưởng của ngành vẫn duy trì ở 2 con số.
Ba cách kiếm tiền hiệu quả
Mặc dù khẳng định XK dệt may thu về nhiều kết quả đáng ghi nhận và còn nhiều cơ hội phát triển, song theo ông Trần Thanh Hải: Hiện tại, phương thức sản xuất chủ yếu của các DN trong nước vẫn là gia công cho các đơn vị nước ngoài. Một trong những điểm yếu nổi cộm hiện nay chính là Việt Nam chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may và đây vẫn là yếu tố khiến tỷ lệ giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam thấp hơn nhiều nước khác.
Đánh giá tình hình cụ thể về XK dệt may trong năm tới, dù có nhiều triển vọng, song ông Hồng cũng bày tỏ khá nhiều lo lắng khi thị trường XK chưa thực sự thuận lợi. Bên cạnh đó, xu hướng thời trang nhanh đặt ra yêu cầu về thời gian giao hàng ngày càng ngắn tạo ra áp lực không nhỏ cho nhà sản xuất. Ngoài ra, theo ông Hồng, trong năm tới, ngành sẽ bị cạnh tranh dữ dội khi các chi phí bảo hiểm, đất đai, thuế… tại các quốc gia mạnh về dệt may như Myanmar, Bangladesh... vẫn thấp hơn so với Việt Nam.
Trong điều kiện hiện tại, ngành dệt may phải hoạt động, phát triển như thế nào để thu về giá trị cao? Xung quanh câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành phân tích: Thực tế là Việt Nam đang có thế trận hội nhập tốt nhất lịch sử. Từ cuối năm 2015 đến nay, Việt Nam đã ký kết hàng loạt FTA, có hàng loạt đối tác. Dự kiến theo nhiều nguồn thông tin, FTA Việt Nam - EU sẽ được thực thi vào khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, càng mở ra những cơ hội. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Nếu được ký kết, dự báo kim ngạch XK dệt may sang thị trường này vào năm 2020 thấp nhất cũng đạt 2 tỷ USD, đồng thời tạo việc làm cho 2 triệu lao động.
“Có ba cách để ngành dệt may Việt Nam tận dụng khai thác được những cơ hội, kiếm tiền trong bối cảnh hiện tại. Cách đơn giản nhất chính là khai thác các thị trường Việt Nam đã ký kết FTA nhằm tận dụng thuế suất ưu đãi 0%. Tuy nhiên, muốn áp dụng cách này, hàng dệt may phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về nguyên tắc xuất xứ. Ví dụ, với thị trường EU, Việt Nam có thể nhập vải từ Hàn Quốc để tận dụng ưu đãi thuế”, ông Thành nói.
Nhận định mặc dù thời gian gần đây, các DN dệt may đã đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất len, sợi.. song ông Thành khẳng định, trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang ở đáy chuỗi. Giữa bối cảnh đó, các DN dệt may hoàn toàn có thể tính toán thúc đẩy chen chân vào khâu thiết kế mẫu mã. Đây là cách thứ hai để kiếm tiền. Ngoài ra, cũng theo ông Thành, cách thứ ba giúp DN dệt may kiếm tiền là đẩy mạnh khai thác thế mạnh về phân phối, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Một số chuyên gia đánh giá, ngoài tìm kiếm các cơ hội XK hàng dệt may, các DN trong ngành cũng nên đầu tư phát triển thị trường trong nước bởi nhu cầu hàng dệt may tại nội địa hiện khoảng 4-5 tỷ USD/năm, song chưa được quan tâm đúng mức.