IMF đã kêu gọi các quốc gia G20 tăng thêm chi tiêu chính phủ, vì hiệu quả của những chính sách lãi suất cực thấp đã bắt đầu chạm ngưỡng ở các quốc gia phát triển.
Các thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính từ 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tập trung ở thành phố Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc vào ngày hôm nay (Thứ bảy, 23/7) để bàn về các vấn đề mà nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt.
“Tăng trưởng toàn cầu đang ở mức yếu và rủi ro đang dần đáng lo ngại hơn”, IMF nhận định trong một báo cáo trước Hội nghị G20 diễn ra.
“Tăng trưởng thậm chí còn có thể thấp hơn nếu những bất ổn về kinh tế và chính trị có hiệu ứng từ ‘Brexit’ vẫn tiếp tục gia tăng”.
Trong dự báo được đưa ra vào tháng Tư vừa qua, IMF đã hạ thấp dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay và năm tới xuống 0,1%, còn lần lượt là 3,1% và 3,5%.
Đại diện chính phủ Anh, Ngoại trưởng Philip Hammond, cũng tham dự hội nghị này và đưa ra thông điệp rằng nước Anh vẫn "mở cửa với các cơ hội hợp tác kinh doanh".
Tuy nhiên, IMF vẫn muốn các nền kinh tế phát triển như Đức và Mỹ dành nhiều hơn chi tiêu chính phủ cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu - một vấn đề đang gây ra chia rẽ giữa các thành viên G20.
“Việc cơ cấu lại, cụ thể là tăng quy mô đầu tư vào hạ tầng sẽ giúp cải thiện năng lực sản xuất, tăng trực tiếp tổng cầu trong ngắn hạn và là chất xúc tác cho đầu tư cá nhân”, IMF đánh giá.
Trong hội nghị G20 vào tháng Hai vừa qua, các bộ trưởng tài chính đã cam kết sử dụng tất cả các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và cấu trúc để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhưng với việc sử dụng chính sách tiền tệ đã chạm ngưỡng ở một số nước, các nhà phân tích thấy rằng sử dụng chính sách tài khóa sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn.
“Để kích thích kinh tế, chúng tôi thực sự không kỳ vọng nhiều vào chính sách tiền tệ ở phần lớn các nền kinh tế phát triển, ngoài Nhật Bản”, ông Louis Kuijs, Trưởng khoa kinh tế châu Á của trường Oxford Economics tại Hồng Kông, nhân định trước hội nghị G20.
“Nhưng tôi nghĩ rằng xu hướng nới lỏng chính sách tài khóa đang tăng lên trên toàn cầu”./.
Ngọc Trang (theo The Guardian)