Xuất khẩu sởi sắc Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/7, tại Hà Nội. Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng qua ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, gồm nông, thủy sản; hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản. Trong đó, riêng xuất khẩu nông, thủy sản tăng trưởng ở mức cao, khoảng 19,9%. Theo ông Trần Thanh Hải, một số yếu tố đã và đang thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như: kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với đó, Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Hơn nữa, vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đã gặp những khó khăn trong năm 2023 như EU và Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ, các chỉ số tiêu dùng hồi phục đã trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu cho rằng cần tiếp tục đổi mới, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là hàng nông thủy sản tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, cần phải rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn - trung và dài hạn. Ngoài ra, cần phải phối hợp trong việc định hướng cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước và xuất nhập khẩu; chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại phù hợp với các Chiến lược, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số. Tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam. Đồng thời, Cục cũng tiếp tục nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về sản xuất, xuất khẩu bền vững, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay. Nhiều thị trường có tiềm năng khai thác Thông tin về thị trường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, Brazil là quốc gia có diện tích lớn thứ 5 thế giới (hơn 8,5 triệu km2), dân số thứ 6 (với 215 triệu dân) và là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Nhu cầu thị trường rất lớn và cũng là thị trường tương đối dễ tính, không quá khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng. Brazil là đối tác thương mại tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhờ lợi thế về dân số đông, nhu cầu tiêu dùng lớn và là nền sản xuất công nghiệp -nông nghiệp phát triển. Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Brazil bao gồm: dệt may, da giày, cao su, sản phẩm điện tử, thủy sản. Ngược lại, Brazil là bạn hàng quan trọng của Việt Nam với các nhà cung cấp nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước bao gồm: ngô, bông, đậu tương, gỗ nguyên liệu, nguyên liệu thuốc lá, nguyên liệu dệt may, da giày... Để xúc tiến thương mại, đại diện thương vụ cho biết, sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan sở tại để đẩy mạnh các kênh xuất khẩu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tăng xuất khẩu vào Brazil và các nước kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng kiến nghị cần triển khai các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương của Việt Nam và Brazil. Xúc tiến khởi động đàm phán FTA với Khối MERCOSUR mà Brazil là thành viên lớn nhất để các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hưởng mức thuế ưu đãi tốt hơn, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh trong việc thâm nhập thị trường. Đặc biệt, cần nghiên cứu, phát triển thị trường logistics với Brazil vì đây là điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất, cả về đường hàng không lẫn đường biển tại khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã cập nhật tình hình xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 và đề xuất kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm; đồng thời, đại diện Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm cũng đã có những trao đổi, cập nhật thông tin về chính sách, khuyến nghị đối với hoạt động xúc tiến thương mại 6 tháng cuối năm 2024. |