Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022.
Về thị trường nhập khẩu, Hoa Kỳ là thị trường đơn lẻ lớn nhất, tiếp tục tăng nhập khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 11. Tháng 11/2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng 24% đạt 51 triệu USD, ghi nhận tháng thứ năm liên tiếp tăng trưởng dương. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 640 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với thị trường EU, mức sụt giảm trong xuất khẩu sang thị trường này đã nhẹ hơn do nhu cầu cuối năm tăng, lạm phát tại đây cũng đã có phần hạ nhiệt. Tháng 11, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm 3% đạt 36 triệu USD. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục giảm trong tháng 11. Nhu cầu của thị trường này không ổn định, tăng trưởng dương trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại đà giảm trong tháng 9, 10 và 11. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính. Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho tại nước này mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ Ecuador. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp. Nên tôm Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá. Tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này vẫn giảm so với cùng kỳ. Các tháng đầu năm 2024, có thể phục hồi nhẹ. Các chuyên gia kinh tế đánh giá Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây. Lượng tiêu thụ tôm của Trung Quốc lớn, thậm chí hơn cả Hoa Kỳ và châu Âu. Trong năm 2023, ước tính nước này nhập khẩu lượng tôm khổng lồ lên tới 1 triệu tấn, chủ yếu là để chế biến, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu gần như không đáng kể. Trung Quốc là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu tôm như Ecuador, Ấn Độ với nguồn cung tôm nguyên liệu giá rẻ nên tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính các nhà chế biến tôm tại thị trường nội địa Trung Quốc. Để tận dụng những cơ hội từ Trung Quốc, VASEP khuyến nghị, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu. Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 11 tháng năm 2023, sản lượng nuôi tôm đạt 1.100.400 tấn, tăng 5,9% trong đó tôm sú đạt 252.600 tấn, tăng 1,5%; tôm chân trắng đạt 779.700 tấn tăng 7,3%. Giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng trong tháng 11/2023, nhất là đối với tôm cỡ lớn, nhưng nguồn cung không nhiều do trong thời gian giá tôm giảm, người nuôi thả nuôi ít. Ông Dương Long Trì - Phó tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam - cho rằng, đến nay, sản lượng tôm nuôi khoảng 1,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 3,5 - 4 tỉ USD, từ trước có 700.000 tấn cũng đạt giá trị tương đương. Vì vậy, cần xem xét giải pháp sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Về việc này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam đang hướng tới việc trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao. Thúc đẩy việc sản xuất các mặt hàng tôm giá trị gia tăng tiếp tục là định hướng của cơ quan chức năng và ưu tiên của doanh nghiệp trong thời gian tới để ngành tôm tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững. |