Dự án nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em triển khai ở huyện Châu Thành A đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng,ảithiệnsứckhỏephụnữvtrẻlich da ngoai hang nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dự án kết thúc, nhưng để lại cho chị Liên nghề đan lục bình.
Phụ nữ nghèo vui hơn
Có dịp về 2 xã Trường Long Tây, Trường Long A, huyện Châu Thành A, sẽ dễ dàng nhận ra nhiều sự thay đổi khi nhận thức và sức khỏe phụ nữ, trẻ em nghèo được cải thiện rõ rệt. Gặp chị Đào Thị Cẩm Xôi, ở ấp Trường Phước, xã Trường Long Tây, tham gia vào dự án từ năm 2011, là những ngày đầu triển khai. Chị Xôi nói: “Nhờ tham gia dự án và được các chị tuyên truyền mà tôi có thể nuôi con tốt khi biết cách chăm sóc với chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé. Tôi cũng biết cách phòng chống một số bệnh thường gặp như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng cho trẻ,…”. Từ những hội thảo dinh dưỡng, chị Xôi biết tạo cho con cảm giác ăn uống ngon miệng như xắt nhỏ thức ăn, băm nhuyễn, tăng lượng rau củ, ép lấy nước hoa quả,… Ngoài ra, bé cũng được chị hướng dẫn cách vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh rất bài bản…
Không riêng gì chị Xôi, nhiều phụ nữ khác ở Trường Long Tây và Trường Long A đều được bổ sung những kiến thức trong việc nuôi dạy con. Từ những hố xí hợp vệ sinh, xử lý rác thải hợp lý, thực hành bình đẳng giới và một số mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả như đan lục bình, may công nghiệp,… các hộ gia đình đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Chị Nguyễn Thị Liên, ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A, chia sẻ: “Nhờ có mô hình đan lục bình tại nhà mà tôi kiếm thêm thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày, giúp chi tiêu sinh hoạt trong gia đình cho đỡ vất vả hơn. Mà quan trọng hơn nữa là tôi ý thức hơn với việc chăm chút sức khỏe cho bản thân mình, trước đây tôi còn ngại đi khám phụ khoa, bây giờ thoải mái hơn rồi, bởi mọi người đã giúp tôi hiểu rằng như thế là bảo vệ sức khỏe bản thân và hạnh phúc gia đình”.
Cùng niềm vui như chị Liên, chị Phạm Thị Lượm, ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A, cũng là người tham gia và nhận được những lợi ích từ dự án. Chị Lượm bộc bạch: “Nhờ dự án thực hiện góp vốn xoay vòng, giúp chúng tôi tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Tôi còn được dự án hỗ trợ xây dựng mô hình biogas, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong gia đình”.
Dự án đạt được hiệu quả, chất lượng như vậy, phải nhấn mạnh đến vai trò của những tình nguyện viên (TNV) tại cộng đồng. TNV được xem là nơi nhận và phản ánh thông tin cũng như góp phần làm nên thành công dự án.
Những tình nguyện viên nhiệt tình, tâm huyết
Những TNV đa phần là người dân địa phương có nhiệt huyết, trách nhiệm, đảm nhận công việc bằng cái tâm của mình. Cũng từ dự án, nhiều TNV đã mạnh dạn hơn, trở thành những người đại diện cho dân tại địa phương, góp phần thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ nghèo. Chị Đoàn Thị Bích Hạnh, TNV ở ấp Trường Hiệp A, xã Trường Long A, nói: “Tham gia làm TNV từ năm 2015, với tôi đó là niềm vui. Tôi luôn mong muốn giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo có cuộc sống thoải mái và ổn định hơn”. Những buổi họp nhóm tuy đơn giản, tranh thủ thời gian rảnh rỗi buổi trưa lúc nông nhàn, đã giúp chị em có nhiều thay đổi về nhận thức theo hướng tích cực. Nhờ vận động và thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra nên tại ấp đã hình thành được nhóm đan lục bình, may công nghiệp…, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo.
Còn chị Lê Thị Huỳnh Hoa, gắn bó với công việc TNV dự án từ những năm 2011 khi triển khai tại xã Trường Long Tây, bộc bạch: “Dù dự án có kết thúc chúng tôi vẫn quyết tâm gìn giữ mạng lưới TNV đã hoạt động, mục tiêu là giúp đỡ nhiều hơn cho chị em phụ nữ nghèo”. Mới đầu, chị Hoa phải đi đến vận động phụ nữ tại từng hộ gia đình, giải thích để chị em hiểu và tham gia dự án. Chính lòng nhiệt huyết, sự cố gắng và quyết tâm trong công việc đã giúp những TNV như chị Hoa, chị Hạnh,... có thể hoàn thành công việc được giao bên cạnh trách nhiệm của người vợ, người mẹ ở gia đình.
Dự án đã góp phần quan trọng giúp phụ nữ và trẻ em nghèo ở địa phương được cải thiện sức khỏe nhiều hơn. Dù kết thúc nhưng mọi người đều hy vọng dự án sẽ được duy trì và phát triển trong tương lai. Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng ban Chỉ đạo dự án, nguyên Phó Giám Sở Y tế, nhận định: “Dự án đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao kiến thức, giúp nhiều TNV trưởng thành hơn, còn chị em phụ nữ ngày càng hiểu và nhận thức sâu rộng hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, nhất là việc chăm sóc, nuôi dạy con và phòng chống bạo lực gia đình. Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí về y tế và giữ gìn hạnh phúc gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo”.
Dự án được triển khai ở 17 ấp của 2 xã Trường Long Tây và Trường Long A, huyện Châu Thành A, kết quả ở hai địa phương này tỷ lệ phụ nữ thiệt thòi trong độ tuổi sinh đẻ bị viêm nhiễm đường sinh sản giảm 31,4% (hiện còn 37,4%); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm 2,63% (còn 9,49%). Theo kế hoạch, sau khi kết thúc dự án ở huyện Châu Thành A, dự án mới mang tên “Tăng cường chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo đang chịu tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu” sẽ triển khai thực hiện ở toàn xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ và kéo dài đến năm 2020. |
Hành trình của dự án vì cộng đồng Từ ngày 1-7-2007, tổ chức Bánh mì cho thế giới (BMTG) bắt đầu tài trợ thực hiện các dự án chăm sóc sức khỏe ban đầu ở huyện Châu Thành A. Đầu tiên là Dự án nâng cao năng lực cải thiện điều kiện sống cho phụ nữ ở xã Nhơn Nghĩa A và xã Tân Hòa được chia thành 2 giai đoạn (thực hiện từ năm 2007 đến năm 2011). Tiếp đến là Dự án nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em xã Trường Long Tây và Trường Long A, với 3 giai đoạn (thực hiện từ năm 2011 đến tháng 6-2017). Qua 10 năm thực hiện dự án, tổng ngân sách tài trợ của tổ chức BMTG là 12,4 tỉ đồng. |
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG