游客发表
发帖时间:2025-01-10 00:30:11
Ngày 3/11/2020, Tổng cục Hải quan đã có văn bản 7059 /TCHQ-ĐTCBL góp ý về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, nhằm phù hợp với Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Phân định rõ vai trò chức năng hải quan và biên phòng
Tổng cục Hải quan cho hay, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản (số 148/BTC-VI ngày 04/01/2019 và số 11493/BTC-VI ngày 27/9/2019, số 2951/TCHQ-ĐTCBL ngày 07/5/2020) đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Biên phòng Việt Nam nghiên cứu chỉnh sửa do còn nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng lấn với nhiệm vụ kiểm soát phương tiện, xử lý vi phạm do cơ quan hải quan chủ trì thực hiện trong địa bàn hoạt động hải quan theo Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo Tổng cục Hải quan cần phân định rõ vai trò chức năng hải quan và biên phòng.
Về chức năng, nhiệm vụ, phương pháp quản lý của cơ quan hải quan, Tổng cục Hải quan dẫn chiếu: Căn cứ Điều 1, Điều 2, Điều 7, Điều 12, Điều 35, Điều 88 Luật Hải quan năm 2014, trong địa bàn hoạt động hải quan cơ quan hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan được Luật Hải quan giao chịu trách nhiệm chính: chủ trì xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các cơ quan khác phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan thì phải báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, cơ quan hải quan phải kiểm tra, giám sát, kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện chính sách quản lý nhà nước về ngoại thương và thực hiện chức năng thu thuế cho ngân sách nhà nước (Chức năng, nhiệm vụ này chỉ cơ quan hải quan có, biên phòng không có).
Cơ quan hải quan xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống máy soi chiếu,… phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.
Theo thống kê từ năm 2016 đến tháng 10/2020, cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 81.644 vụ việc, trị giá ước tính 10.421 tỷ đồng; khởi tố 245 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 573 vụ.
Thời gian qua, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan và đã phối hợp có hiệu quả với lực lượng biên phòng trong việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm như vụ việc bắt giữ 98 kg ma túy đá giấu trong 5 pho tượng gỗ do máy soi hành lý của cơ quan hải quan phát hiện tại Hà Tĩnh; vụ bắt giữ 500 kg ketamin và 276 kg ma túy đá trong địa bàn hoạt động hải quan tại TP. Hồ Chí Minh...
Nhiều điểm mâu thuẫn, trùng chéo với Luật Hải quan
Tổng cục Hải quan cho biết, qua rà soát, nhận thấy tại dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam ngày 21/10/2020 trình Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng đang trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan.
Cụ thể: tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ của biên phòng “đảm bảo việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Theo cơ quan hải quan, việc quy định như dự thảo có phạm vi rất rộng, chưa rõ ràng. Tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, công an…. Việc quy định như trên được hiểu Biên phòng là lực lượng giám sát, đảm bảo thi hành pháp luật ở tất cả các lĩnh vực của các lực lượng khác tại khu vực biên giới, cửa khẩu, trong khi chức năng này chỉ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện; không phải chức năng của bộ đội biên phòng.
Tổng cục Hải quan đề nghị Ban soạn thảo Luật rà soát, nghiên cứu chỉ rõ giới hạn, phạm vi, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng của bộ đội biên phòng là đảm bảo thi hành pháp luật biên phòng.
Theo đó, Tổng cục Hải quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung trên như sau: “đảm bảo việc thi hành Luật này ở khu vực biên giới, cửa khẩu”.
Đồng thời, tại điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng: “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định của pháp luật”.
Về điểm này, Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, không phù hợp, trùng chéo, mâu thuẫn với quy định của Luật Hải quan. Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Hải quan: “Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Tại khoản 1 Điều 88 Luật Hải quan quy định: “Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý”.
Hơn nữa, tại khoản 2 Điều 10 và khoản 1 Điều 12 Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 10/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có quy định nguyên tắc phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2018/NĐ-CP): “Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp bảo đảm từng lĩnh vực chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chủ trì thực hiện, tránh sơ hở, chồng chéo, đồng thời không cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước khác”; “Khi cơ quan hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định của Luật Hải quan…”./.
Ngọc Linh
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接