Phần lớn các nhà xe không trực tiếp kiểm tra hàng mà chỉ biết qua lời của nguời gửi
Chị Đinh Thúy (đường Trần Cao Vân,ửihàngquaxekháchTiệnnhưkeo tbn TP Huế) cho biết, khi cần gửi hàng hóa gì cho anh trai ở Hà Nội là chị gửi bằng xe khách. Theo chị, gửi hàng qua xe khách chỉ cần qua một đêm là tới, lại không phải làm thủ tục rườm rà, giá cả cũng phải chăng. Tới nơi chỉ cần ra bến xe đọc đúng tên, số điện thoại người nhận là có thể lấy hàng.
Cũng thường xuyên sử dụng dịch vụ gửi hàng qua xe khách, chị Hồng Liên (đường Ngự Bình) cho biết: “Tôi buôn bán mặt hàng áo quần thường xuyên phải ra Hà Nội lấy hàng. Những lúc bận không đi được tôi chỉ cần điện thoại là họ gửi hàng vào bằng xe khách cho mình. Vừa tiết kiệm được chi phí đi lại mà cước vận chuyển cũng khá rẻ”.
Đáp ứng nhu cầu của khách hàng dịch vụ chuyển hàng “tự phát” này phát triển khá nhanh. Một hãng xe chạy tuyến Huế - Hà Nội (đóng ở đường Nguyễn Thái Học) thừa nhận, mỗi ngày, nhà xe nhận được hàng chục kiện hàng gửi đi các tỉnh phía Bắc theo hình thức ký gửi. Để tạo uy tín đối với khách hàng, nhà xe thường thu phí khi người nhận đã nhận được hàng. Nhưng nhà xe không chịu trách nhiệm đối với hàng hóa hư hỏng, vì vậy luôn yêu cầu người gửi phải gói ghém, đóng thùng cẩn thận. Chủ yếu là hàng nhận tại văn phòng giao dịch. Ngoài ra, dịch vụ này được thực hiện tự phát do lái xe, phụ xe tự nhận, trả hàng trên đường. Dù không khuyến khích, thậm chí cấm lái, phụ xe nhận hàng dọc tuyến nhưng do việc kiểm tra còn hạn chế nên các đơn vị kinh doanh vận tải cũng chưa thể quản lý được.
Qua lời giới thiệu của người gửi, nhân viên nhà xe nhận hàng mà không hề kiểm tra lại. Người gửi chỉ cần ghi tên, số điện thoại người nhận lên gói hàng để nhà xe liên hệ khi tới nơi. Trên thực tế, đa số những cuộc giao dịch, chuyển hàng hóa bằng xe khách hiện nay đều được tiến hành dưới dạng giao dịch miệng. Do vậy, trong trường hợp hàng hóa bị thất lạc, đổ vỡ thì khó mà quy trách nhiệm cho nhà xe.
Các nhà xe cũng cho biết, trong mấy năm trở lại đây ngoài chuyên chở hành khách, nhà xe mở thêm dịch vụ vận chuyển đồ để tạo thêm nguồn thu. Tuy nhiên, chính sự “dễ dãi” trong việc nhận vận chuyển hàng hóa vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, “tiếp tay” trong việc vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng dễ gây cháy nổ... Không những thế, việc không biết chính xác hàng hóa vận chuyển trên xe là hàng gì còn tiềm ẩn tai họa đối với lái xe và hành khách.
Việc quá đơn giản các thủ tục, và “dễ dãi” trong khâu quản lý, kiểm tra khi mà nhà xe không hề biết mình đang vận chuyển hàng gì dễ dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra.
Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo