Chơi hụi là hình thức giao dịch về tài sản trên cơ sở sự thỏa thuận của nhiều người. Từ lâu,ơihụtrận ngoại hạng anh tối nay đây là một trong những hình thức tích lũy tài sản phổ biến của người dân. Tuy nhiên, thực tế xảy ra nhiều tranh chấp về hụi và có thể xem đây là một hình thức giao dịch đầy rủi ro.
Ông Huỳnh Thành Ý, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp (phải), đang trao đổi về một vụ tranh chấp nợ hụi trên địa bàn huyện.
Chơi hụi và những rủi ro
Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi) là một hình thức giao dịch về tài sản dựa theo tập quán trên cơ sở sự thỏa thuận của một nhóm người được quy định tại Điều 479 của Bộ luật Dân sự 2005.
Việc chơi hụi rất đơn giản, các hụi viên chỉ cần bỏ ra hàng tháng hoặc tuần một số tiền để góp cho chủ hụi, còn chủ hụi thường là người có tài sản hoặc có uy tín trong xóm, ấp, tạo được lòng tin để các hụi viên góp tiền vào các dây hụi của mình. Dây hụi có thể bắt đầu với số tiền nhỏ, sau một thời gian thì số lượng hụi viên tăng lên và số tiền góp vào từ đó cũng tăng theo. Thực tế, chơi hụi là một trong những hình thức tích lũy tài sản phổ biến của người dân ở các vùng nông thôn và mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người tham gia nếu không xảy ra tình trạng vỡ hụi.
Ông Hồ Hữu Thắng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Chơi hụi từ lâu đã trở thành thói quen của người dân với việc tích lũy dần số tiền nhỏ và lãi cao; chủ hụi thường là những người có uy tín, tạo được lòng tin cho hụi viên. Tuy nhiên, rủi ro trong hình thức giao dịch này rất lớn khi thời gian qua số lượng các vụ vỡ hụi và tranh chấp nợ hụi ngày càng tăng”.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp, năm 2014, đơn vị thụ lý 58 vụ tranh chấp về nợ hụi, năm 2015 là 44 vụ. Số lượng án thụ lý về nợ hụi luôn chiếm cơ cấu khá cao trong các tranh chấp dân sự. Như vụ vỡ hụi năm 2013 của bà S., tại xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, với hơn 100 hụi viên, tổng số tiền gần 3 tỉ đồng; hoặc vụ tranh chấp hụi của bà H., ở thị trấn Kinh Cùng, với số tiền góp hàng tháng lên đến 10 triệu đồng/hụi viên.
Ông Huỳnh Thành Ý, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Phần lớn các vụ vỡ hụi là do chủ hụi dựng các dây hụi ma, sau một thời gian thì tuyên bố vỡ hụi. Đa số các tranh chấp về nợ hụi hiện nay khi tòa án thụ lý đều khá khó khăn trong việc xác định số tiền và danh sách các hụi viên tham gia, do việc này chỉ có chủ hụi mới nắm rõ, từ đó dẫn đến khó xác định được thiệt hại của hụi viên”.
Chơi hụi, nên hay không ?
Pháp luật hiện hành chỉ quy định cấm đối với việc chơi hụi mà lãi suất vượt quá quy định. Còn đối với bản chất việc chơi hụi thì đây là hình thức tích lũy tài sản chính đáng của người dân. Mục đích của việc chơi hụi nhằm giúp các hụi viên có thể tương trợ vốn lẫn nhau, tích lũy tài sản, cải thiện cuộc sống, kinh tế gia đình.
Thực tế, phần lớn các tranh chấp nợ hụi, hụi viên rất khó lấy lại số tiền đã góp. Nguyên nhân là do trong quá trình tham gia vào dây hụi, chủ hụi và các hụi viên đều không có giấy tờ chứng minh được số tiền góp vào. Bên cạnh đó, nhiều chủ hụi cố tình tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn khiến cho bản án của tòa có hiệu lực nhưng khó thi hành. Vì vậy, khi tham gia vào các dây hụi, người dân không nên chỉ vì uy tín của chủ hụi hay mức lãi cao mà quên đi rằng, nếu có phát sinh tranh chấp thì chính mình sẽ là người thiệt hại.
Theo ông Huỳnh Thành Ý, để tránh phần thiệt thòi trong trường hợp bị vỡ hụi và phát sinh tranh chấp về nợ hụi, người chơi hụi nên cẩn trọng trong việc góp tiền cho chủ hụi. Khi giao dịch chơi hụi nên có giấy tờ chứng minh hoặc yêu cầu chủ hụi xác nhận số tiền trong mỗi lần góp, nếu có tranh chấp phát sinh thì cơ quan có thẩm quyền có thể xác minh chính xác được thiệt hại, từ đó giúp cho các hụi viên giảm được thiệt hại”.
Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO