Đặc biệt, tinh thần, mức độ cải cách TTHC của ngành Tài chính được duy trì liên tục qua nhiều năm và luôn luôn có xu hướng, động thái tiếp tục cải cách hơn nữa trong thời gian tới”, đây là chia sẻ của bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.
PV: Bộ Tài chính vừa đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Bà đánh giá thế nào về động thái này của Bộ Tài chính?- Bà Nguyễn Minh Thảo: Theo phương án của Bộ Tài chính đưa ra thì tổng số ĐKKD ban đầu trong lĩnh vực tài chính là 370 điều kiện, tổng số ĐKKD đề nghị cắt giảm, đơn giản là 193 điều kiện trong 7 lĩnh vực (bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, giá, thuế, hải quan, kiểm toán, tài chính ngân hàng), chiếm tỷ lệ 52,2%. Đây được xem là con số ấn tượng, phản ánh tinh thần cầu thị, cải cách từ phía Bộ Tài chính. Cộng đồng DN đánh giá cao tinh thần này của Bộ Tài chính.
Về cơ bản, trong phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD của Bộ Tài chính đã thể hiện việc nhận diện chính xác các ĐKKD và ở nhiều ĐKKD đã đưa ra những đề xuất cắt giảm, bãi bỏ hợp lý. Ngoài ra, ở một số ĐKKD đề xuất đơn giản hóa đôi chỗ còn thể hiện chưa cụ thể phương án đề xuất sửa đổi. Song tôi cho rằng, có lẽ bước tiếp theo Bộ Tài chính sẽ đưa ra phương án cụ thể hơn để thể hiện cách thức thực hiện việc đơn giản hóa những ĐKKD này.
Bà Nguyễn Minh Thảo |
PV: Việc cắt giảm, đơn giản hóa những ĐKKD như đề xuất trên của Bộ Tài chính sẽ mang lại những lợi ích cụ thể như thế nào cho cộng đồng DN, thưa bà?
- Bà Nguyễn Minh Thảo: Rà soát cắt giảm những ĐKKD không có nghĩa là cắt giảm tất cả những ĐKKD hiện hành, mà cắt giảm những ĐKKD không có ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước, những ĐKKD không cần thiết và không phù hợp. Như vậy, việc bãi bỏ một số ĐKKD đem lại những lợi ích trực tiếp cho DN, bởi DN không phải tốn thời gian, chi phí, nguồn lực để thực hiện những thủ tục không cần thiết đó nữa.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa những ĐKKD chính là cơ quan quản lý đã gỡ bỏ bớt một số rào cản trong quá trình gia nhập thị trường của DN. Từ đó, khuyến khích DN tham gia vào các thị trường trong lĩnh vực tài chính nhiều hơn. Khi số lượng DN trong thị trường nhiều hơn sẽ tạo nên sự cạnh tranh lớn hơn, buộc DN phải nỗ lực hơn, sáng tạo hơn trong sản xuất, kinh doanh để trụ vững và phát triển trên thị trường. Theo đó, hiệu quả của nền kinh tế sẽ tốt hơn, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh chung của quốc gia, góp phần gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, việc cắt giảm, đơn giản hóa những ĐKKD cho thấy, cơ quan quản lý đang thay đổi cách thức quản lý từ tiền kiểm sang chú trọng vào hậu kiểm. Điều này thể hiện tư duy, quan điểm quản lý chủ đạo là cá nhân, DN muốn kinh doanh, muốn bước vào thị trường thì được Nhà nước ủng hộ, khuyến khích và bảo vệ. Nhưng sau khi đã bước vào thị trường mà DN làm ăn không nghiêm túc, thì cơ quan quản lý cũng có đủ những công cụ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Như vậy, có thể thấy việc cắt giảm, đơn giản hóa những ĐKKD trong lĩnh vực tài chính đem lại rất nhiều lợi ích tích cực đối với cộng đồng DN trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN gia nhập thị trường; đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để những lợi ích tích cực trên trở thành hiện thực thì Bộ Tài chính cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai phương án đề xuất trên.
PV: CIEM là một trong những đơn vị thường xuyên thực hiện những khảo sát, đánh giá về cải cách TTHC của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính. Từ góc độ CIEM, bà đánh giá thế nào về công tác cải cách TTHC của ngành Tài chính thời gian gần đây, đặc biệt là các lĩnh vực như thuế, hải quan?
- Bà Nguyễn Minh Thảo: Nếu đánh giá về sự tiên phong trong cải cách TTHC thì Bộ Tài chính là bộ tiên phong, đi đầu trong công tác cải cách TTHC. Yêu cầu rà soát cắt giảm các ĐKKD không cần thiết, không phù hợp là vấn đề mà gần đây các bộ, ngành mới tích cực thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã thực hiện những cải cách này bắt đầu từ năm 2014, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của chúng tôi, Bộ Tài chính cũng là bộ tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong nhiều lĩnh vực thuộc quản lý của mình như thuế, hải quan. Cải cách này của Bộ Tài chính mang lại nhiều lợi ích to lớn cho DN và được cộng đồng DN, các cơ quan quản lý khác, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Đặc biệt, tinh thần, mức độ cải cách TTHC của ngành Tài chính được duy trì liên tục, ổn định, mạnh mẽ suốt từ năm 2014 đến nay và luôn luôn có xu hướng, động thái tiếp tục cải cách hơn nữa trong thời gian tới. Hiện nay khi có chỉ đạo của Chính phủ về cắt giảm 50% ĐKKD, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu này. Đặc biệt, theo đánh giá của chúng tôi, Bộ Tài chính nhận diện được rất chính xác các ĐKKD và có những cắt bỏ rất rõ ràng. Cộng đồng DN trông chờ vào những bước tiếp theo của Bộ Tài chính để hiện thực hóa phương án cắt giảm, đơn giản hóa những ĐKKD, để DN được thụ hưởng những lợi ích thực sự trên thực tế.
PV: Xin cảm ơn bà!
Diệu Thiện (thực hiện)
作者:Cúp C1