DN XK muốn tỷ giá tăng
Từ mức giá USD trung bình 21.380-21.390 đồng/USD, những ngày gần đây, giá USD đã được hàng loạt ngân hàng tăng giá bán ra với mức tăng từ 50-70 đồng/USD. Ngày 16-3, Vietcombank niêm yết giá bán USD ở mức 21.440 đồng, mua vào mức giá 21.380 đồng/USD; giá bán USD tại Techcombank là 21.445 đồng/USD; tại VietinBank là 21.450 đồng/USD.
Việc tỷ giá tăng được các DN XK coi như một tin vui. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty XNK Bình Định cho biết: Là DN XK, chúng tôi mong muốn tỷ giá tăng lên một chút nữa để khuyến khích XK của DN. Bởi lẽ, nhu cầu hàng hóa nội địa trong nước có giới hạn, chi phí cho đơn hàng của DN lại cao vì điều chỉnh giá điện, cước vận tải... Cho nên việc tăng tỷ giá sẽ nâng đỡ phần nào cho DN.
Chung quan điểm này, ông Chu Văn Trọng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần XNK khoáng sản Hà Nam cho rằng: Vì là DN chuyên XK, nên những biến động tỷ giá với đồng USD tăng cao còn giúp DN được lợi nhiều hơn về doanh thu nên các hoạt động, sản xuất đều diễn ra bình thường, đơn hàng ổn định. Giá USD tăng cao có gây tác động đến giá nguyên liệu đầu vào của công ty, khiến giá tăng cao, tuy nhiên, Công ty mua hàng trả trực tiếp bằng USD nên cũng không ảnh hưởng.
"Còn với biến động về tỷ giá USD thế giới thì DN cũng không lo lắng, bởi hiện tại, công ty ký hợp đồng thường cách 6 tháng nên không bị ảnh hưởng về giá thành" - ông Chu Văn Trọng chia sẻ.
Tương tự, ông Dương Minh Điền, Giám đốc Công ty TNHH Khởi Toàn (DN chuyên NK thiết bị công nghiệp ngành da giày) cũng không tỏ ra lo lắng khi tỷ giá tăng. Ông Điền cho biết: Chúng tôi là DN vừa và nhỏ, lượng hàng NK không lớn nên với mức tăng tỷ giá USD như hiện nay chưa ảnh hưởng đến DN, các đơn hàng vẫn hoạt động bình thường. Hơn nữa, DN có lượng hàng dự trữ từ đầu năm nên vẫn chưa phải lo lắng về tỷ giá.
Vẫn còn băn khoăn
Mặc dù đánh giá sự biến động tỷ giá trong ngắn hạn không ảnh hưởng nhiều đến DN, tuy nhiên ông Dương Minh Điền băn khoăn: Nếu tỷ giá còn tăng cao hơn nữa, nguồn hàng dữ trữ cạn thì DN sẽ khó khăn. Tuy nhiên, DN vẫn phải chấp nhận chịu lỗ để làm việc, giữ đơn hàng và nguồn hàng. DN chấp nhập lấy lúc tỷ giá USD hạ để bù lỗ cho lúc tăng cao. Hiện DN có rất ít thông tin dự báo về tỷ giá để đưa ra những chiến lược kinh doanh hợp lý. DN vẫn đang phải “tự bơi”, tự chịu trách nhiệm trước những biến động tỷ giá.
Các DN cũng đã có những biện pháp chủ động để ứng phó với biến động tỷ giá. Đại diện một công ty chuyên NK rượu cũng chia sẻ: Do đã có sự phối hợp với ngân hàng trong việc thanh toán nên USD tăng cao không làm ảnh hưởng đến DN, các đơn hàng vẫn bình thường. Hiện nay DN có ký kết với các ngân hàng về một tài khoản trả trước khi mua bán với đối tác nước ngoài, DN sẽ mua tài khoản này theo giá trị USD tại thời điểm giao dịch và ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm chi trả. Vì thế, nếu tỷ giá tăng cao thì DN không bị ảnh hưởng, tuy nhiên, nếu tỷ giá giảm thì DN lại bị mất đi chi phí. Với cách làm như này, DN không phải lo lắng nhiều về biến động của tỷ giá.
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định tỷ giá đồng USD ở mức 1-2%/năm. Xét ở góc độ cạnh tranh, điều này có ảnh hưởng đến XK hàng hóa của Việt Nam khi việc XK của Việt Nam vào các thị trường có khả năng sẽ giảm lợi thế cạnh tranh so với một số quốc gia khác. Ở góc độ DN, đại diện Công ty XNK Bình Định bày tỏ: Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đã phát đi thông điệp sẽ điều chỉnh tỷ giá trong khoảng 1-2% trong năm 2015. Có thể lý do khiến Ngân hàng Nhà nước đặt ra định hướng như vậy là vì liên quan đến các chính sách vĩ mô, lo sợ lạm phát. Nhưng là DN, chúng tôi mong muốn tỷ giá được thả nổi chứ không cố định là điều chỉnh 1% hay 2%. Việc điều chỉnh tỷ giá phải căn cứ theo diễn biến thị trường, bám sát với việc điều chỉnh các loại chi phí của DN, theo hướng khuyến khích XK.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Tỷ giá tăng những ngày gần đây chưa phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng cần phải quan tâm. Song tôi cũng nhấn mạnh là bây giờ chưa cần phải điều chỉnh tỷ giá vì lúc này chưa có đột biến nào trên thị trường ngoại hối, tỷ giá vẫn chỉ tăng trong khuôn khổ +/-1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá đang ngày càng nhiều. Bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam đang quay trở lại xu hướng nhập siêu.
TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý: Tuy hiện tại chưa cần điều chỉnh tỷ giá song căn cứ vào diễn biến tình hình, có thể thời gian tới Ngân hàng Nhà nước nên xem xét khả năng này. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá 1%, như vậy từ nay đến cuối năm còn dư địa 1% để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tiếp. Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố năm 2015 tỷ giá không biến động quá 2% song cũng cần linh động hơn. Nếu áp lực lớn làm chênh lệch cung cầu về ngoại tệ nhiều hơn thì Ngân hàng Nhà nước cũng nên điều chỉnh hơn kế hoạch đã đưa ra.
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Sau nhiều năm có lạm phát cao, việc neo giá trị VNĐ vào USD khiến VNĐ bị định giá cao đã gây bất lợi cho hàng XK và hàng hoá trong nước trước hàng NK. Ảnh hưởng này trong nửa cuối năm 2014 còn nhân lên khi đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới khiến VNĐ tiếp tục mạnh lên và hàng hoá NK rẻ hơn. Nhóm chuyên gia của VEPR bình luận: Việt Nam điều chỉnh tỷ giá với biên độ hẹp trong nhiều năm gần đây là quá thận trọng và tiếp tục làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3-4% trong vòng 2-3 năm tới, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5% để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hoá nội địa. |