【lkqbd】PVOIL có lợi thế gì để thu hút nhà đầu tư ngoại?
Theo ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PVOIL: Hiện nay, ở thị trường Việt Nam có khoảng 29 đầu mối kinh doanh XNK xăng dầu. Tuy nhiên, xét về thị phần, trong tổng số 29 DN đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và PVOIL cộng lại đã chiếm khoảng 70% thị phần. Đây cũng là hai DN có hệ thống cửa hàng xăng dầu phủ khắp cả nước. Hiện nay, PVOIL có tổng số 540 cửa hàng xăng dầu tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Ông Dương cho biết, đặc thù ở nhiều nước như Lào, Campuchia, Indonesia,… các cửa hàng xăng dầu không chỉ bán xăng mà còn kết hợp các dịch vụ tiện ích; có gara nhỏ vừa thay dầu, rửa xe, thậm chí có cả cửa hàng cà phê… Đây gọi chung là các dịch vụ phi xăng dầu. Lợi nhuận đến từ hoạt động phi xăng dầu này chiếm từ 45-55% lợi nhuận cả hệ thống. Ngoài ra, việc này còn đem lại dòng tiền tốt cho DN. “Chúng tôi chưa khai thác được các mảng này. Đó là điểm chưa mạnh của PVOIL. Tuy nhiên, trong tương lai, điểm chưa mạnh lại là tiềm năng phát triển cho DN. Các nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm, cho rằng PVOIL còn nhiều dư địa phát triển”, ông Dương nói.
Ông Dương cũng thông tin thêm: PVOIL hiện có 27 kho xăng lớn nhỏ trải dài từ Bắc vào Nam với tổng sức chứa xấp xỉ 1 triệu m3. PVOIL hiện mới khai thác được 55-60% công suất của hệ thống kho cảng này. Nguyên nhân là bởi, PVOIL hình thành từ việc sáp nhập, mua bán nhiều DN. Các DN nằm ở các khu vực khác nhau đều có kho của riêng mình. Vì thế, khi PVOIL mua lại DN, tổng sức chứa lớn lên, vượt quá cả nhu cầu hiện tại.
“Chúng tôi xem đó là dư địa phát triển trong tương lai. Với sức chứa này, kể cả có tăng gấp đôi sản lượng so với hiện nay, PVOIL cũng không cần đầu tư nhiều vào hệ thống kho cảng nữa. Đây được xem là lợi thế lớn của PVOIL bởi việc xin giấy phép xây dựng cửa hàng xăng dầu vốn khá phức tạp. Yếu tố này được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao”, ông Dương nhấn mạnh.
Liên quan tới quá trình cổ phần hóa của PVOIL, ngày 8/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOIL (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam-PVN).
Theo đó, vốn điều lệ của PVOIL là 10.342.295.000.000 đồng. Trong đó, cổ phần PVN nắm giữ là 363.014.555 cổ phần, chiếm 35,1% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong DN là 1.864.300 cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 206.845.900 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ.
Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 462.504.745 cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PVOIL với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ.
Quyết định cũng nêu rõ về bán cổ phần ra công chúng. Theo đó, giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phần, được bán theo phương thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM.