VHO- Thời bao cấp thì Tết dĩ nhiên cũng được bao cấp. Đó là câu chuyện chỉ xảy ra ở các đô thị lớn miền Bắc. Miền Nam được hưởng chế độ bao cấp kể từ ngày thống nhất đất nước 1975,ếtthờibaocấđội hình đội tuyển tây ban nha gặp đội tuyển bóng đá quốc gia síp là lúc chế độ bao cấp đang bước vào thời kỳ khó khăn nhất.Chợ hoa phố cổ. Tranh: Đỗ Phấn Giữa thập kỷ 60, dân phố đa phần phải đi sơ tán hết. Trường học đóng cửa. Những gia đình không có quê hương bản quán hoặc quê ở quá xa đành chịu để con em thất học. Số này không nhiều nhưng cũng tạo ra trong thành phố một đám trẻ lêu lổng nghịch phá. Tuy nhiên, vì có chế độ bao cấp nên chúng cũng không đến nỗi phải nhịn đói. 1. Lũ trẻ sơ tán về quê học ở trường làng. Tiêu chuẩn bao cấp được phụ huynh mua ở thành phố vận chuyển lên nơi sơ tán bằng xe đạp là chủ yếu. Chúng ăn mặc có phần lành lặn sạch sẽ hơn trẻ con ở làng nhưng rõ ràng đồ ăn luôn thiếu trước hụt sau tùy thuộc vào tiêu chuẩn hàng tháng có được mua đủ hay không. Khoảng cách sinh hoạt này bộc lộ rõ nhất vào ngày Tết. Khi mà làng xóm người ta mổ lợn gói bánh, giã giò tấp nập thì căn bếp những gia đình thị dân sơ tán vẫn im ắng chẳng khác gì ngày thường. Chỉ khác chút ít ở gói hàng Tết mua theo “Bìa mua hàng gia đình”. Đó là một túi hàng với lũ trẻ là vô cùng thần thánh. Rất ít đứa có thể hiểu vì sao người ta lại nghĩ ra cái tiêu chuẩn Tết kỳ lạ đến như vậy. Nó bao gồm đủ hết tất cả mặt hàng mà một cái Tết thị dân cần phải có. Và nó ít đến kinh ngạc. Nhà ít người đôi khi miếng bóng bì trong túi chỉ nhỉnh hơn hai ngón tay một chút thôi. Gói hạt tiêu trong ấy còn nhỏ hơn cả gói thuốc tím 2g mua ở hiệu thuốc. Nắm miến dong chỉ vừa một chét tay. Ba bốn miếng măng lưỡi lợn bỏ ra ngâm toàn tính chẳng cần đến công đoạn thái. Hộp mứt Tết trong túi hàng làm bằng bìa đen ọp ẹp in hình hoa đào. Trong ấy có mươi miếng mứt bí, một quả hồng khô, vài miếng mứt gừng và số còn lại là kẹo trứng chim trắng bóc. Vị trí đầu tiên của hộp mứt khi lấy ra khỏi túi hàng Tết dĩ nhiên là ở trên ban thờ. Dù có thèm thuồng đến mấy thì cũng phải sau tuần hương sáng mồng 1 Tết may ra mới được lấy xuống chia nhau. Những gia đình tam tứ đại đồng đường, việc bóc hộp mứt ấy luôn thuộc về cụ cao niên nhất. Nói rằng chẳng thiếu thứ gì trong túi hàng Tết ấy cũng đúng. Kể từ bánh pháo cho đến gói chè Thanh Tâm hoặc Hồng Đào. Một bao thuốc lá Tam Đảo. Tất nhiên luật chính tả ngày ấy vẫn còn in hàng chữ “Thanh tâm”, “Hồng đào”, “Tam đảo” chứ không phải như bây giờ. Có năm được mua thêm một chai rượu chanh của Nhà máy rượu Hà Nội. Những gói nhỏ hơn trong ấy đôi khi là mấy miếng nấm hương, mộc nhĩ. Và không thể thiếu gói mì chính 5g. Những năm đầu bao cấp còn có con gà sống bán kèm. Về sau cũng hết vào những năm 70. 2. Thị dân không có tiêu chuẩn thịt lợn ăn Tết. Muốn có thịt gói bánh các gia đình phải tự túc mua ngoài. Gạo nếp có tiêu chuẩn nhưng đậu xanh phải mua thêm. Lá dong mua ở cửa hàng rau quả. Lạt mua ống giang ở chợ về tự chẻ. Củi đun bánh phải để dành những cục củi tạ cả năm trời mới đủ. Sơ tán về nông thôn, lũ trẻ chính là nguồn nhân lực đi nhặt củi luộc bánh. Lo được một cái Tết tương đối đủ cho lũ trẻ sơ tán là một công trình tằn tiện cả năm trời của phụ huynh. Tất nhiên khi làng xóm người ta gói hàng trăm chiếc bánh chưng một nhà, gia đình sơ tán chỉ đủ tiền để gói không đến 10 chiếc. Ở làng, người ta ăn bánh chưng đến ngoài Rằm tháng Giêng thì lũ trẻ sơ tán đã kết thúc bánh chưng vào quãng mồng 3 Tết. Ở làng, thịt gà vừa cúng vừa ăn kéo dài đến rằm thì gia đình sơ tán chỉ có một con duy nhất cho mâm cơm cúng hôm mồng 1. Thế nhưng, lũ trẻ sơ tán vẫn có niềm tự hào của riêng chúng. Đó là những món ăn nấu nướng cầu kỳ chẳng có làng nào làm được. Những bát canh mọc, bóng bì, hoa súp lơ trong veo ngọt thỉu. Cái nem rán giòn vàng ươm và bát nước chấm dưa góp đủ màu sặc sỡ. Nồi cá láo nháo những trê, những diếc, những trôi, những chày như cá hôi ngày tát ao được tẩm ướp nước hàng, riềng, gừng và vài khúc mía kho đến 3 lửa. Năm nào có thêm vài miếng thịt dọi xếp vào nồi cá kho thì tuyệt hảo. Xương cá nhừ tơi bùi béo ấm chân răng. Thịt cá đã rắn lại đậm vị riềng, gừng và ngọt mía. Cá kho này mà ăn với bánh chưng tưởng như chẳng còn gì ngon bằng. Sau hòa bình là lúc chế độ bao cấp đã khó khăn đến đỉnh điểm. Đến lương thực cũng phải ăn độn khá nhiều phần trăm bằng mì, khoai, sắn, hạt bo bo. Cán bộ đi đắp phòng tuyến Sông Cầu những năm 1978, 1979 còn phải chở hàng bao tải sắn khô lên nơi làm việc để ăn dần. Thế nhưng rất lạ là tiêu chuẩn ăn Tết vẫn không có gì thay đổi. Vẫn được mua đủ ngần ấy mặt hàng. Chỉ có điều chất lượng ngày một kém đi. Miếng bóng bì mốc meo phải ngâm nước nóng và tẩy bằng rượu trắng dăm lần mới đủ sạch để nấu. Nắm miến dong đen nhẻm loi thoi vài sợi thò ra khỏi miệng túi. Gói chè “chín hào ba” (thuật ngữ ngày ấy dùng để chỉ một loại chè mậu dịch bán ra với giá chín hào 3 gói) vụn nhừ phải dùng thìa múc ra cho vào ấm pha. Nồi bánh chưng luộc chung với hàng xóm có thể bắc bếp ngay trên vỉa hè cắt phiên nhau canh lửa, đổ nước. Số lượng bánh cũng chẳng hơn gì thời sơ tán nhưng mọi gia đình đều như nhau nên chẳng có gì đáng ngại ngùng. Bọn trẻ luôn là người được ăn những chiếc bánh chưng con đầu tiên, trước cả khi đưa lên ban thờ cúng cụ. 3. Lũ trẻ ở nơi sơ tán về mang theo nước da sạm nắng, lại thêm thiếu ăn, đứa nào cũng gầy guộc xanh xao. Ngày Tết đến với chúng là những ngày vui sướng nhất trong năm. Được ăn uống thỏa thích bất cứ lúc nào muốn. Được mặc những bộ quần áo mới. Những đứa gia đình khá giả còn thường xuyên có mươi quả pháo tép nhét trong túi quần. Chạy nhảy nô đùa ngoài Bờ Hồ cứ hễ thấy ngót dạ là lại về nhà có sẵn cái ăn. Ngày Tết là lúc các bà, các chị bận bịu vất vả nhất nhưng chẳng hiểu vì sao họ luôn tươi cười khác hẳn ngày thường. Có lẽ niềm hạnh phúc của họ đơn giản chỉ là đủ ăn - đủ mặc. Giờ như ta thấy, sau hơn ba chục năm xóa bỏ chế độ bao cấp, cái Tết không còn được chuẩn bị kỹ lưỡng như xưa nữa. Nhiều gia đình phố tranh thủ mấy ngày nghỉ Tết còn đi du lịch xa nhà. Khi đã đủ ăn - đủ mặc thì đến ngay cả Tết cũng không còn quá quan trọng nữa. Dạo một vòng lên chợ là có thể sắm đủ cả một mâm cỗ cúng người ta làm sẵn hàng vài chục món. Giò chả, bánh chưng, nem rán, gà làm sạch sẵn sàng. Về chỉ việc nấu nướng bày đặt qua loa là đã có thể ngồi vào bàn ăn thưởng thức hương vị ngày xuân. Mặt hàng bán chạy nhất ở chợ ngày Tết luôn là các loại rau, củ chứ không phải thịt cá. Nhiều gia đình quá ít trẻ con nên ngày Tết cũng không bày vẽ nấu nướng làm gì vì không có đủ người ăn. Đã thế, tục lệ cổ truyền đến thăm nhau ngày Tết cũng không còn được các gia đình trẻ quan tâm nữa. Và như thế cũng chẳng cần đến việc chuẩn bị sẵn đồ ăn đãi khách. ĐỖ PHẤN/LAODONG.VN |