');this.closest('table').remove();"> |
Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm đăng ký ứng tuyển các vị trí việc làm của doanh nghiệp |
Cầu luôn vượt cung
Tại ngày hội việc làm ở Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế năm 2023 được tổ chức đầu tháng 5 vừa qua, “sức nóng” trong hoạt động tuyển dụng được bộc lộ rõ. Sinh viên chưa ra trường không phải loay hoay tìm việc, mà đáng ngạc nhiên điều đó lại đến từ phía nhà tuyển dụng. 37 tập đoàn, công ty đăng ký tuyển dụng hơn 2.700 vị trí việc làm và có 5 doanh nghiệp tuyển dụng không giới hạn số lượng. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp chỉ hơn 1.000.
Đây không phải là lần đầu tuyển dụng khối nông, lâm, ngư nghiệp trong tình trạng cung không đủ cầu. Khoảng 5 năm trở lại, mỗi ngày hội tuyển dụng, nhu cầu doanh nghiệp luôn cao gấp hơn 2 - 2.5 lần số sinh viên ra trường. Một cán bộ của Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam chia sẻ: “Năm nào cũng tham gia ngày hội tuyển dụng, nhưng khó đáp ứng được đủ nguồn nhân lực”.
Từ những năm 2017, đã có nhiều dự báo đến năm 2020 lĩnh vực nông nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Thực trạng đó đến nay vẫn còn là bài toán nan giải. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2025, nước ta cần 80.000 cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, 10.000 cán bộ quản lý nông nghiệp, 100.000 nông dân được đào tạo kỹ thuật nông nghiệp, 60.000 người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong khi đó, theo theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyển sinh khối ngành này sụt giảm, nhóm ngành nông nghiệp và thuỷ sản chỉ chiếm 0,86% và thú y chiếm 0,51% trong kết quả tuyển sinh chung năm 2022 tất cả các ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra các lĩnh vực tuyển sinh kém, trong đó nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đều góp mặt 3 năm gần đây. Ở Huế, năm vừa qua, Trường ĐH Nông Lâm cũng chỉ tuyển sinh được khoảng 800/1.300 chỉ tiêu.
PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho biết, đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, nhưng nỗi lo chưa được giải quyết. Qua nghiên cứu, có 4 nhóm nguyên nhân chính thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này. Đầu tiên là thế hệ gen Z hiện nay thích theo hướng kinh doanh và công nghệ hoặc xuất khẩu lao động, xu thế lựa chọn ngành nghề theo sở thích, danh tiếng của ngành học hơn. Thứ hai là tâm lý sợ vất vả khi vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp. Ngoài ra, công tác truyền thông và hướng nghiệp ở bậc trung học phổ thông (THPT) chưa thực sự tốt.
');this.closest('table').remove();"> |
Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp |
Truyền thông hiệu quả
Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định: “Cần tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn” và đưa ra mục tiêu đến năm 2030 phải đạt tỷ lệ 70% lao động nông nghiệp qua đào tạo, mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn.
Để giải bài toán nhân lực lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, rõ ràng cần sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là sư phối hợp chặt chẽ của nhà nước - nhà trường và nhà tuyển dụng (doanh nghiệp). Tại hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bền vững nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản của Việt Nam” được tổ chức mới đây tại Huế, tham luận của GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần tạo các mối liên kết chặt giữa trường ĐH và doanh nghiệp trong giới thiệu việc làm, chuyển giao công nghệ, đặt hàng đào tạo/công nghệ, tuyển dụng sinh viên và cấp học bổng. Trường ĐH cũng cần kết nối với các trường THPT để tư vấn, hướng nghiệp, truyền tải đến học sinh các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, trường ĐH cần kết nối với thị trường lao động địa phương trên tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp phải chặt chẽ hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, kích thích sự hứng thú cho người học, đặc biệt là giải quyết các điểm yếu kỹ năng cho sinh viên.
Việc định hướng nhận thức của xã hội cũng rất quan trọng. Nhà nước phải có chiến lược và chỉ đạo hệ thống truyền thông cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức đúng về vai trò quan trọng của nông, lâm nghiệp trong giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường. Đồng thời, cần có chính sách đặt hàng đào tạo đối với những ngành nghề truyền thống thiết yếu và khó tuyển sinh (khoa học cây trồng, khoa học đất, lâm nghiệp, chế biến lâm sản…). Bên cạnh đó, cần có những dự báo chính xác nhu cầu của thị trường lao động để quy hoạch đào tạo phù hợp.
Công tác truyền thông và hướng nghiệp cho học sinh THPT cần phải được làm thường xuyên và có chiều sâu, phải phân tích được sở thích, khả năng và điều kiện của từng học sinh THPT. Ngoài ra, cần có chủ trương, kế hoạch để các trường ĐH cùng tham gia công tác giảng dạy môn học công nghệ ở các trường THPT nhằm nâng cao nhận thức và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.