Theo đánh giá của Cục Hải quan Quảng Trị, trong quý III-2016, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan trong có chiều hướng tăng mạnh so với quý II-2016. Chỉ tính riêng từ 16-6 đến 15-9-2016, Hải quan Quảng Trị đã phát hiện, xử lý 189 vụ vi phạm pháp luật về Hải quan, trị giá hơn 3,5 tỷ đồng; giảm 24,64% về số vụ và tăng 7,71% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; giảm 5,61% về số vụ và tăng 17,63% về trị giá so với quý II-2016.
Hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra chủ yếu ở dọc sông Sê Pôn và các đường mòn, lối mở hai bên cánh gà cửa khẩu. Các đối tượng thường lợi dụng trời tối và địa hình phức tạp dùng thuyền máy vận chuyển hàng dọc sông Sê Pôn để đưa hàng vào Việt Nam, sau đó dùng xe thồ, xe kéo, thuê người vận chuyển hàng hóa bằng đường tiểu ngạch về nội địa tiêu thụ. Ở cửa khẩu Lao Bảo, La Lay không phát hiện các vụ việc mua bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu trong quá trình tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, tuy nhiên vẫn còn phát sinh sai phạm về không tái xuất hoặc tái nhập phương tiện vận tải đúng thời hạn quy định, khai hải quan.
Vào sâu trong nội địa, khu vực tiếp giáp giữa Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo với nội địa, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hoá trái phép diễn ra với nhiều phương thức khác nhau. Các chủ đầu nậu tổ chức thuê người gùi cõng qua hai bên cánh gà cổng B tập kết chờ xe vận chuyển về nội địa tiêu thụ hoặc chia nhỏ, xé lẻ hàng hoá để cất giấu lẫn trong các loại hàng hóa khác như than củi, chuối và gia cố hầm chứa hàng bên trong các phương tiện vận tải hành khách để cất giấu hàng hoá nhập lậu. Hàng hóa vi phạm do lực lượng Hải quan bắt giữ phần lớn không có chứng từ hợp pháp, không xác định được chủ sở hữu. “Điểm danh” các loại hàng hóa vi phạm phổ biến qua địa bàn gồm: Gỗ xẻ xuất xứ Lào, thuốc lá ngoại, bia và cả đường kính, đồ điện tử do Thái Lan sản xuất gồm: nồi cơm điện, các loại máy xay sinh tố… Đối tượng tham gia chủ yếu là người dân trên địa bàn các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Nghệ An…
Trên thực tế, Đội Kiểm soát Hải quan là đơn vị chuyên trách của Cục Hải quan Quảng Trị thực hiện chốt chặn trên tuyến Quốc lộ 9, kiểm soát Hải quan trên tuyến đường sông Sê Pôn cũng như hai bên cánh gà cổng B. Đến nay, hàng hóa vi phạm do đơn vị này tịch thu trị giá xấp xỉ 4 tỷ đồng (đạt 80% chỉ tiêu do Cục Hải quan Quảng Trị giao năm 2016). Qua các vụ việc do đơn vị bắt giữ thời gian gần đây, ngoài một số mặt hàng bia do Hà Lan, Pháp… sản xuất, vẫn còn xuất hiện nhỏ lẻ các mặt hàng đường kính, nồi cơm điện, dầu nhớt do Thái Lan sản xuất. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Đội Kiểm soát Hải quan cho biết, tình hình vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn ra theo mùa vụ. Thời điểm mùa Hè, nổi cộm tình trạng vận chuyển trái phép đường kính trắng do Thái Lan sản xuất.
Điển hình là ngày 24-8-2016, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện lô hàng nhập lậu không xác định được chủ sở hữu; tang vật gồm: 1,2 tấn đường trắng, 4 nồi cơm điện Sharp KSH 218 (đều do Thái Lan sản xuất); 340 chai bia Heineken 250ml/chai do Pháp sản xuất; 240 lon bia Heineken 500ml/lon do Hà Lan sản xuất; 700 hộp cá hộp 3 cô gái 155g/hộp do Việt Nam sản xuất… Trước đó, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện gồm: 1,5 tấn đường trắng, 18 nồi cơm điện Sharp các loại do Thái Lan sản xuất; 216 lon bia lon Heineken, 500ml/lon, Hà Lan sản xuất… nhập lậu.
Những tháng cuối năm, Hải quan Quảng Trị triển khai lực lượng đánh mạnh vào các ổ, nhóm, tổ chức, đường dây buôn lậu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm tăng cường kiểm soát các mặt hàng trọng điểm như: Thuốc lá ngoại, bia, rượu và hàng Việt Nam nhập lậu từ Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo vào nội địa. Song song với việc phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đơn vị tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng tố giác buôn lậu, không tham gia các hoạt động buôn lậu và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu. Đồng thời, triển khai thực hiện công tác thu thập thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu vào, ra Khu Thương mại Lao Bảo làm cơ sở cho việc đánh giá diễn biến tình hình buôn lậu vào nội địa, báo cáo Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh để có biện pháp quản lý và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.