Sử dụng hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng đã trở thành nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Cuộc “chạy đua” của các “tín đồ thời trang” này kéo theo hiện tượng nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái hình thành để đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế”. Các sản phẩm như đồng hồ, điện thoại, túi xách hay các sản phẩm thời trang được nhiều người ưa chuộng là nhóm hàng dễ bị làm giả, làm nhái. Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp hay các chợ sinh viên trên địa bàn Hà Nội, các loại túi xách, ví nhái nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Hermes, Gucci… xuất hiện tràn lan. Giá các sản phẩm này chỉ dao động từ 150.000 đồng – 300.000 đồng. Người tiêu dùng mặc dù biết sản phẩm được bày bán là hàng giả nhưng vẫn mua để sử dụng. Lý do để mua rất đơn giản, chị Trần Bảo Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Túi xách, ví hay quần áo nhãn hiệu nổi tiếng bán ở chợ đều là hàng giả nhưng tôi thấy sản phẩm được bán phổ biến, nhiều người sử dụng, có giá thành phải chăng, mẫu mã lại đa dạng nên mua về dùng”.
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng đã liên tục điều tra, xử lý, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu, vận chuyển hàng hóa từ biên giới Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một thực trạng là việc các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát trong nước đang tiếp tay cho hoạt động trái pháp luật này. Gần đây nhất là vụ ngày 20-5, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) phối hợp với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và Công an huyện Phú Xuyên tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh Phong Hạnh (Hà Nội). Quá trình thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, tạm giữ 1.607 sản phẩm là túi xách, ví da mang nhãn hiệu Dior, Hermes, Louis Vuitton. Đại diện sở hữu công nghiệp của các nhãn hiệu nêu trên khẳng định toàn bộ 1.607 sản phẩm trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Đặc biệt, chủ cơ sở sản xuất trên là Phạm Thị Hạnh (SN 1988) và Phạm Hữu Phong (SN 1984) trú tại xã Sơn Hà (Phú Xuyên, Hà Nội) khai nhận: Trước đây, cơ sở này chỉ sản xuất ví da, túi xách không nhãn mác nhưng từ tháng 4 phát hiện nhu cầu sử dụng hàng hóa thương hiệu nổi tiếng của khách hàng, các đối tượng đã mua logo, nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng để sản xuất hàng giả kiếm lời. Khoảng 2.000 túi xách, ví da giả nhãn hiệu nổi tiếng đã được cơ sở này bán ra thị trường. Đồng thời theo đối tượng Phạm Hữu Phong: “Tất cả các sản phẩm gồm: Túi xách nguyên chiếc, nguyên liệu để sản xuất hàng giả, tôi đều mua từ các cửa hàng bán thanh lý tại chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp. Những hành thanh lý này có giá từ 30.000 – 50.000/sản phẩm. Còn các logo nhãn hiệu nổi tiếng, tôi mua từ các đại lý bán tại làng nghề quanh khu vực huyện Phú Xuyên. Các logo này sẽ được lắp vào các sản phẩm do cơ sở sản xuất tự thiết kế để trang trí và hấp dẫn hơn”. Mặt khác Phạm Hữu Phong cũng thừa nhận do nhận thức kém, làm theo đơn đặt hàng của khách, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ mới biết mình vi phạm pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Trung tá Kiều Hữu Việt – Phó Đội trưởng Đội Chống hàng giả và sở hữu trí tuệ cho biết: “Xã Sơn Hà là một làng nghề mới nổi lên khoảng 2 năm chuyên về đồ da và may túi xách, ví, dây lưng. Người dân nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Mặt khác, một bộ phận người dân hiểu biết làm hàng giả, hàng nhái là vi phạm pháp luật nhưng vì mưu sinh cuộc sống họ vẫn dù các cơ quan chức năng địa phương cũng đã tuyên truyền, xử lý nhiều vụ việc. Tuy nhiên, do công tác chống hàng giả ở cấp huyện chưa triệt để nên hầu như trên thị trường hiện nay, không riêng huyện Phú Xuyên xuất hiện nhiều sản phẩm làm giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng”.
Trung tá Kiều Hữu Việt cũng cho biết thêm: “Các cơ sở sản xuất thường nhập nguyên vật liệu trên thị trường về sau đó may các sản phẩm tương tự của các nhãn hiệu nổi tiếng. Đồng thời, các cơ sở sản xuất cũng nhập nhãn mác dán vào túi để hàng hóa bán chạy hơn. Sản phẩm sau khi hoàn thành, tùy thuộc vào đơn đặt hàng được chuyển đi khắp nơi hay đến các tỉnh lân cận để tiêu thụ”.
Ngày 20-5, qua công tác nghiệp vụ, Đội Giao thông bưu điện - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội phối hợp với Công an phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) phát hiện và thu giữ hơn 10.000 chiếc đồng hồ đeo tay không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ của số hàng trên là Trương Mạnh Cường và Phạm Hồng Ngọ đã thuê một phòng trọ tại đường Doãn Kế Thiện (Cầu Giấy, Hà Nội) để làm nơi tập kết hàng hóa. Sau đó, thông qua các trang thương mạng điện tử, Facebook để bán đồng hồ và chỉ gửi hàng cho khách theo đường bưu điện. 10.000 chiếc đồng hồ đeo tay, nhãn mác in tiếng nước ngoài trên được các đối tượng khai nhận đã thu mua trôi nổi trên thị trường. Trung bình mỗi chiếc có giá khoảng 50.000 đồng và bán ra thị trường với giá từ 150.000 - 200.000 đồng. |