(CMO) Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn Cà Mau Trịnh Xuân Hưng cho biết, từ đây đến cuối năm còn xuất hiện nhiều đợt triều cường mới, đỉnh triều dâng cao dần về cuối năm và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, trong những ngày tới sẽ xuất hiện kỳ triều cường mới, mực nước trên sông lên đến cấp báo động III, gây khó khăn trong sản xuất và đảo lộn cuộc sống của người dân nếu không có sự phòng chống từ trước.
Cảnh giác với triều cường
Phân tích tình hình thời tiết trong những ngày này, ông Trịnh Xuân Hưng cho biết, không khí lạnh đang tăng cường trên các vùng ven biển Nam Bộ, gió mùa Tây Nam tuy không mạnh nhưng thổi thẳng vào các cửa sông, ven biển, đẩy mực nước dâng cao bất thường trong những ngày tới. Dự báo đỉnh triều cường dâng cao nhất từ ngày 21-26/10 tại các trạm Năm Căn trên sông Cửa Lớn là 1,40-1,50 m, tại cửa sông Gành Hào từ 1,95-2,05 m, Sông Đốc 0,75-0,80 m. Ngoài ra, hiện nay, do ảnh hưởng không khí lạnh đang tăng cường xuống phía Nam, kết hợp với gió mùa Đông Bắc, cần đề phòng mực nước ven biển dâng cao bất thường.
Công trình ngăn mặn, giữ ngọt Tiểu vùng III Bắc Cà Mau đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Một yếu tố khác khá quan trọng góp phần làm cho mực nước đỉnh triều kỳ này tăng cao là khu vực miền Trung đang mưa lũ, các hồ thuỷ điện xả lũ trong những ngày vừa qua.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết, hiện nay, hầu hết cao trình các bờ bao ngăn mặn, giữ ngọt chống tràn chưa được đầu tư sên vét, nâng cấp đều thấp hơn so với đỉnh triều cường. Đặc biệt, hiện nay toàn tỉnh có 27 vị trí đang đứng trước nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài 37.935 m. Trong đó, 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 5.000 m, có khoảng 1.047 hộ dân sinh sống, mua bán và sản xuất ở khu vực này.
Từ khi thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tỉnh quy hoạch thành 2 vùng Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau với 23 tiểu vùng, trong đó vùng Nam Cà Mau có 18 tiểu vùng. Đã quy hoạch hơn 10 năm qua, nhưng do thiếu vốn, đến nay chưa có tiểu vùng nào được khép kín. Đời sống của bà con nông dân các tiểu vùng này chủ yếu dựa vào nuôi thuỷ sản quảng canh cải tiến. Do chưa được đầu tư khép kín nên triều cường dâng cao đột biến là không tránh khỏi thiệt hại. Hiện nay, bà con tạm thời khắc phục bằng cách đào đất đắp đê bao, dùng lưới mắt dày để ngăn những điểm thấp trũng phòng khi nước lên, không cho tôm thoát ra ngoài. Tuy nhiên, đây là cách khắc phục tạm thời, một khi nước tiếp tục lên thêm thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn.
Chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại
Đợt triều cường đã xuất hiện trong những ngày vừa qua không gây tràn bờ do gia đình ông Phan Văn Đằng, ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời chủ động nâng cấp từ trước. Tuy nhiên, đỉnh triều cường duy trì ở mức cao nhiều ngày liên tục nên nước mặn đã ngấm qua thân đê xâm nhập vào ruộng lúa - tôm gần 1 ha đang vào giai đoạn đẻ nhánh. Ông Đằng cho biết, gia đình ông đang khắc phục bằng cách bơm nước cứu lúa, tốn rất nhiều chi phí.
Nông dân Phạm Văn So, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, nâng cấp bờ bao phòng chống triều cường.
Rút kinh nghiệm thuỷ triều dâng cao tràn bờ như các năm trước, ông Phạm Văn So, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, đã chủ động be bờ từ 2 tháng trước. Phòng thuỷ triều dâng cao, cả gia đình phải thay phiên nhau canh chừng.
Ông So nói, những năm trước đây thuỷ triều lên xuống xuất hiện theo chu kỳ, theo mùa, chủ yếu vào những ngày giữa và cuối tháng, từ khoảng 4-7 giờ sáng và buổi chiều từ khoảng 17-19 giờ. Còn hiện nay, thuỷ triều lên bất thường và dâng cao hơn nên người dân không kịp trở tay.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, triều cường dâng cao làm tràn hàng trăm ki-lô-mét bờ bao, làm bể 14.013 m bờ bao, thiệt hại 2.373 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi thuỷ sản của bà con, ước thiệt hại trên 25,2 tỷ đồng. Đó là con số thiệt hại trước mắt, còn về lâu dài, khi nước mặn tràn vào nội đồng gây ảnh hưởng đến sản xuất, việc khắc phục sẽ còn nặng nề hơn.
Không chỉ có vùng chuyển dịch Nam Cà Mau bị ảnh hưởng do triều cường, mà nhiều địa phương vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau cũng bị ảnh hưởng “kép”.
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết, do người dân có ý thức chủ động đào đắp đê bao, dùng lưới mắt dày để ngăn những chỗ thấp, trũng từ trước nên đợt triều cường dâng cao đầu tháng 10 không gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, theo dự báo, từ đây đến cuối năm còn xuất hiện nhiều đợt triều cường mới, đỉnh triều cao hơn và thời gian tồn tại cũng kéo dài hơn. Đáng chú ý là thời điểm này, bà con nông dân vùng ngọt đang vào cao điểm chuẩn bị gieo cấy trà lúa vụ 2, mưa nhiều kết hợp với triều cường dâng cao, mức nước xuống chậm chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn và gia tăng chi phí sản xuất.
Theo ghi nhận của phóng viên, mưa nhiều kết hợp với triều cường làm nhiều tuyến đường trong nội ô TP Cà Mau ngập sâu sau những trận mưa lớn. Có nơi ngập đến 30-40 cm như đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ, Phường 8 và nhiều tuyến đường khác trong nội ô TP Cà Mau nên rất nhiều xe chết máy giữa đường. Nhiều nhà dân ở các huyện ven biển như Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi… bị nước tràn vào, ngập từ 20-30 cm, khiến cho sinh hoạt đảo lộn. Nhiều đồ dùng trong nhà bị hư hỏng. Người dân phải tận dụng thau, thùng tát nước ra ngoài, tránh bị ngập nặng.
Ông Nguyễn Long Hoai cho biết, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị ngành chức năng và các địa phương, hộ dân khẩn trương triển khai công tác chống tràn tạm thời đối với các khu vực bị ngập nặng do nước dâng.
Đài Khí tượng Thuỷ văn Cà Mau tiếp tục công bố các bản tin triều cường trước từ 7-10 ngày trong các tháng cuối năm để các cấp kịp ứng phó. Khuyến cáo người dân sống ở khu vực ven biển, sông rạch cần tôn nền, chằng chống nhà ở, bảo vệ diện tích sản xuất để tránh thiệt hại./.
Trung Đỉnh
Tính từ đầu năm đến nay, trên biển Đông đã xuất hiện 3 cơn áp thấp nhiệt đới, 11 cơn bão, trên đất liền xảy ra 3 đợt mưa trái mùa, nhiều đợt mưa lớn kéo dài kèm theo dông, lốc xoáy, nước dâng, gây sạt lở đất nhiều nơi, thiệt hại cho người dân trên 23 tỷ 989 triệu đồng. Dông lốc làm sập 41 căn nhà, tốc mái 2 điểm trường học, 153 nhà dân, đổ ngã 6 trụ điện, sạt lở hàng ngàn mét đất bờ sông, ven biển, thiệt hại 331,6 ha nuôi thuỷ sản, hư hỏng 71 căn nhà cùng nhiều tài sản khác. Ngoài ra, mưa lớn gây đổ ngã, ngập úng, thiệt hại 2.335 ha lúa, hoa màu của người dân từ 10-30%. Đặc biệt, trên biển 28 phương tiện bị chìm, 6 phương tiện hư hỏng, làm 18 người chết, 17 người mất tích.