Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP |
Chiều nay (17/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về công tác tổ chức Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tăng, giảm phù hợp, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với dịp Tết năm ngoái.
Tính đến ngày hôm qua (16/2), các địa phương đã chi gần 5.560 tỷ đồng để chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, lao động dịp Tết. Chủ tịch nước cũng đã tặng quà cho hơn 1,73 triệu đối tượng có công với cách mạng, tổng kinh phí 538 tỷ đồng. Để giúp nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai kịp thời khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất và đón Tết, Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp gần 19.400 tấn gạo, gần 3.670 tấn hạt giống và 1.250 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm. Chính phủ cũng đã hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết gần 9.100 tấn cho 14 tỉnh.
Về phòng, chống Covid-19, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết, từ 10/2 đến 16/2, đã ghi nhận 198 trường hợp mắc trong nước tại 7 tỉnh, thành phố. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo, đến ngày 23/2 tới, lô vaccine đầu tiên sẽ về Việt Nam. Cũng theo Bộ Y tế, dịp Tết này chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Trong dịp Tết, hoạt động trực tết sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp diễn ra theo kế hoạch. Cả nước đã gieo cấy đạt trên 2,27 triệu ha lúa Đông Xuân.
Trong dịp Tết, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo ổn định. Các cơ quan chức năng đã bắt, xử lý gần 1.900 vụ với trên 2.000 đối tượng buôn bán, vận chuyện, tàng trữ, sử dụng pháp trái phép, tăng 27% về số vụ và 30% về số đối tượng. Trong 7 ngày Tết xảy ra 38 vụ cháy, làm 2 người chết. Cả nước xảy ra 182 vụ tai nạn giao thông, chủ yếu là đường bộ, làm chết 109 người, bị thương 123 người. So với năm ngoái giảm 16 vụ, giảm 24 người chết.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm qua, dù bối cảnh đất nước khó khăn về thiên tai, dịch bệnh dồn dập, nhưng đời sống nhân dân vẫn được cải thiện, tỷ hệ hộ nghèo giảm. Đối với tổ chức Tết, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ cho vùng khó khăn, quan tâm đến người nghèo, người dân vùng thiên tai; đảm bảo an ninh an toàn cho người dân tốt hơn, trong đó dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát ở hầu hết các địa phương. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân được tăng cường…
Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta đã chỉ đạo tổ chức một Tết vui tươi, sum vầy, tương đối đủ đầy, mọi người mọi nhà đều có Tết. Với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, cả hệ thống chính trị vào cuộc lo Tết cho người dân. Trong đó, Nhà nước, các cơ quan Nhà nước đã chủ động xử lý những vấn đề đặt ra từ giá cả, tiền mặt, nguồn hàng, các phương tiện giao thông vận tải phục vụ đi lại, điện nước. Đặc biệt là chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quyết liệt, cụ thể, kể cả trong Đại hội Đảng toàn quốc, đã ban hành Chỉ thị 05 và đã chỉ đạo liên tục để giãn cách xã hội và các biện pháp khác. Các lực lượng y tế, quân đội, công an, các lực lượng chức năng, đặc biệt các địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong vấn đề phòng ngừa dịch bệnh và có nhiều biện pháp quyết liệt".
Theo Thủ tướng, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành khuyến khích công nhân ở lại địa bàn làm việc thay vì đổ về quê ăn Tết, người dân thì ăn Tết không xa nhà, từ đó giúp giảm số lượng người đi lại, góp phần chống Covid-19. Các lực lượng vũ trang thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự, mang lại bình yên cho nhân dân.
Yêu cầu không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo sau buổi giao ban này, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trở về làm việc bình thường, không tổ chức đi chúc Tết. Cần tập trung công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, nhất là xử lý tồn đọng do nghỉ Tết. Các Bộ, cơ quan tổ chức các cuộc họp, hoạt động của lãnh đạo Chính phủ theo lịch công tác.
Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ và các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm như Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác bám sát tình hình dịch bệnh Covid-19 và tình hình xã hội kinh tế đất nước để kịp thời tham mưu cho Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia, các Bộ các giải pháp hiệu quả ứng phó kịp thời dịch bệnh; Tiếp tục tham mưu giải pháp để chỉ đạo điều hành, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh ngay sau Tết trở lại bình thường trong bối cảnh có Covid-19. Cán bộ công chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu.
Thủ tướng nhấn mạnh phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Ảnh: VGP |
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 05 ngày 28/1/2021. Trong đó có một số việc như lo sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nước tưới, lo tuyển quân, phát động Tết trồng cây… Các phương tiện truyền thông động viên người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nhưng chú ý phòng chống dịch hiệu quả.
Về việc cài đặt phần mềm Bluezone góp phần truy vết các ca mắc Covid-19, Thủ tướng đề nghị các địa phương và cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, vận động nhân dân cài đặt phần mềm này; Tiếp tục thực hiện 5K, nhất là các bệnh viện, trường học, khu chợ…
5 cân đối lớn để phát triển bền vững
"Chúng ta phải có đầy đủ quyết tâm, tinh thần hành động và ý chí lớn mạnh hơn bao giờ hết. Ngay từ quý 1 này phải quyết tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ở bộ mình, ở địa phương mình. Nhân đây, tôi cũng nhắc lại một lần nữa, những gì đạt được lớn nhất, thành công đạt được trong 5 năm qua, đặc biệt là năm 2020, là sự xuyên suốt, đã chứng minh một cách thuyết phục về “ý Đảng, lòng Dân” được kết tinh trong chỉ đạo. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung chỉ đạo xử lý 5 cân đối lớn trong phát triển đất nước, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2021, trong cả năm 2021 và không chỉ thế mà còn dài hơi trong kế hoạch 5 năm", Thủ tướng nhấn mạnh khi nêu thông điệp quan trọng đối với các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, cân đối lớn thứ nhất là cân đối giữa việc mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Nói cách khác, đó là cân đối giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa tuân theo các quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; giữa tiến bộ xã hội với bảo vệ môi trường; giữa tính độc lập với tính hội nhập.
Cân đối lớn thứ hai là cân đối giữa phát triển kinh tế nhanh với việc đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, trong đó có vấn đề gìn giữ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc. Điều đó cũng có nghĩa là phát triển hài hòa, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để địa phương nào đánh mất cơ hội phát triển.
Thứ ba là cân đối giữa nội lực và ngoại lực; giữa kinh tế trong nước và nước ngoài; giữa nội thương và ngoại thương; giữa xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ với mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế khu vực cũng như toàn cầu; giữa xây dựng nền kinh tế tự cường với hội nhập sâu rộng; giữa thu hút FDI mạnh mẽ với phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ tư là cân đối giữa ưu tiên ngắn hạn với mục tiêu dài hạn. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang tập trung thúc đẩy chính sách hàng năm cho các mục tiêu 5 năm, 10 năm và dài hơn nữa. Do đó, chúng ta không được chủ quan, tránh chạy theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững, bỏ mục tiêu dài hạn có tính xuyên suốt. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương giữ vững sự kiên định, niềm tin vào lý tưởng và các nguyên tắc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cân đối lớn thứ 5 được Thủ tướng nêu ra là cân đối nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân thanh toán quốc tế và các cân đối vĩ mô khác. Chúng ta đang có một hệ thống chỉ tiêu vĩ mô tốt nhưng phải đảm bảo vững chắc hơn và năm sau phải tốt hơn năm trước.
Nêu ra 5 cân đối lớn đó để các bộ, ngành, địa phương và cơ quan tham mưu thảo luận để phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng cho rằng, các cân đối lớn này chính là tựu chung lại của cân đối lớn “ý Đảng, lòng Dân”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới để báo cáo Bộ Chính trị và các cơ quan. Sau cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị để chỉ đạo công việc, đồng thời yêu cầu bộ máy nhà nước phải thực hiện tốt mọi chức năng, nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh nào./.