Với chiến thắng áp đảo 95% số phiếu ủng hộ tại cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan diễn ra ngày 24-3 vừa qua,ếttmngănchặnbiểtrận pohang đảng Quyền lực Nhà nước và Nhân dân ủng hộ đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đã tuyên bố sẵn sàng thành lập chính phủ mới và quyết tâm ngăn chặn các cuộc biểu tình lớn.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (trái) và Tư lệnh lục quân Thái Lan, Tướng Apirat Kongsompong (phải) tại cuộc diễn tập đối phó với tình trạng khẩn cấp ở Lopburi, Thái Lan, ngày 14-2-2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Tư lệnh lục quân Thái Lan, Tướng Apirat Kongsompong khẳng định quân đội không tham gia chính trị nhưng sẽ không cho phép lặp lại các cuộc biểu tình lớn trên đường phố như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Phát biểu với báo giới, Tướng Apirat khẳng định quân đội vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình đó là bảo vệ, duy trì các thể chế nhà nước, tôn giáo và nền quân chủ. Cũng theo Tướng Apirat, dù kết quả của cuộc tổng tuyển cử như thế nào, các phe phái cần tranh luận và giải quyết bất đồng tại Quốc hội.
Hiện Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) chưa công bố kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử, diễn ra vào ngày 24-3 vừa qua. Theo EC, kết quả cuộc bầu cử sẽ chưa được phê chuẩn cho tới ngày 9-5 vì cơ quan bầu cử cần thời gian xử lý các khiếu kiện liên quan.
Thực chất của việc công bố kết quả chậm trễ này là do trước đó phần mềm xếp bảng của ủy ban này đã gặp sự cố về xử lý dữ liệu được nhập cùng lúc từ một số điểm và thỉnh thoảng có những con số không đúng. Từ đó dẫn đến việc phe đối lập nghi ngờ và đưa ra những chỉ trích về sự thiếu minh bạch trong bầu cử. Một số nhà hoạt động chính trị tuyên bố, họ sẽ làm đơn kiến nghị để buộc tội các ủy viên hội đồng bầu cử. Đến thời điểm này, cơ quan này đã nhận được tới 186 khiếu nại về cuộc bầu cử. Hệ lụy của việc này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối diễn ra.
Trong một diễn biến liên quan, trước đó ở khu vực Tượng đài Chiến thắng, một đầu mối giao thông chính, những người biểu tình đã tụ tập cầm theo các biểu ngữ “Tôn trọng tiếng nói của chúng tôi” và “Chấm dứt gian lận bầu cử”. Đến chiều 31-3, các cuộc biểu tình phản đối Ủy ban Bầu cử cũng như kết quả kiểm phiếu đã nổ ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Trong khi đó, tại ngã tư Ratchaprasong, người biểu tình đã thiết lập những điểm lấy chữ ký để lập yêu sách luận tội EC vì đã trì hoãn công bố kết quả bầu cử cũng như thông báo kết quả không chính xác và điều chỉnh tỷ lệ cử tri đi bầu từ 65% lên 74% một cách “đáng ngờ”.
Còn nhớ, vào năm 2014 khi giới quân sự tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân sự dân cử để trực tiếp nắm chính quyền thì chính trường ở Thái Lan đã bước sang trang mới. Trong 5 năm qua, chính quyền quân sự đã vãn hồi được cơ bản ổn định chính trị và an ninh xã hội ở Thái Lan, tăng trưởng kinh tế chưa phục hồi nhưng đất nước không còn hỗn loạn. Cuộc tổng tuyển cử được xem là cơ hội chấm dứt trên danh nghĩa thời kỳ giới quân sự cầm quyền. Hay nói một cách khác, chính quyền mới của Thái Lan là chính quyền hợp pháp, hợp hiến do chính dân bầu ra. Điều này hứa hẹn một dấu mốc lịch sử mới ở xứ sở Chùa vàng.
HN tổng hợp